Với khát vọng lập nghiệp và làm giàu trên quê hương, sau một thời gian làm giáo viên dạy mỹ thuật ở tỉnh Lâm Đồng, anh Võ Như Hậu đã quyết định trở về quê ở thôn Trâm Lý, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng mở cơ sở sản xuất hoa văn, phù điêu trang trí, tượng nghệ thuật, thi công phần kép cho các công trình thờ tự, nhà ở… Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã đi vào hoạt động ổn định, đồng thời giải quyết việc làm với thu nhập khá cao cho nhiều lao động tại địa phương.
Cơ sở sản xuất hoa văn, phù điêu trang trí tượng nghệ thuật của anh Võ Như Hậu -Ảnh: Đ.V |
Anh Hậu hiện đang làm chủ một cơ sở sản xuất hoa văn, phù điêu trang trí, tượng nghệ thuật khá quy mô ở xã Hải Quy. Tranh thủ nghỉ tay, trò chuyện với chúng tôi, anh Hậu cho biết mình tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.
Anh Hậu chia sẻ: “Trước khi quyết định nghỉ hẳn việc để trở về quê, tôi là giáo viên dạy môn Mỹ thuật của một trường học ở tỉnh Lâm Đồng. Lúc đó, tôi cũng trăn trở nhiều lắm nhưng vì điều kiện công tác ở xa nhà, gia đình gặp rất nhiều khó khăn nên tôi đành ngậm ngùi rời bục giảng để trở về quê lập nghiệp”.
Với một ít vốn tích góp được cùng sự hỗ trợ của gia đình và vay thêm vốn ở ngân hàng, năm 2020, anh Hậu thuê mảnh đất ở trung tâm xã Hải Quy mở cơ sở sản xuất hoa văn, phù điêu trang trí, tượng nghệ thuật với tổng vốn ban đầu khoảng 350 triệu đồng. “Tôi chọn nghề này vì công việc gắn với chuyên ngành mỹ thuật mà tôi đã được học”, anh Hậu cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, anh không ngừng học hỏi những nghệ nhân đi trước, đồng thời tìm hiểu thêm qua sách báo để nâng cao tay nghề. Anh vừa sản xuất sản phẩm theo khuôn mẫu có sẵn vừa làm theo mẫu yêu cầu của khách hàng, đồng thời nghiên cứu sáng tạo thêm những mẫu mới để đa dạng sản phẩm phù điêu, hoa văn trang trí. Với nhu cầu thi công, trang trí hoa văn nghệ thuật, đắp phù điêu, tượng bằng vật liệu xi măng, thạch cao, bột đá… ở các công trình nhà ở, công trình thờ tự ngày càng nhiều nên công việc của anh Hậu ngày càng thuận lợi.
Công trình tùy theo khối lượng việc mà mất ít thì vài ba ngày, nhiều thì một tuần, nửa tháng mới hoàn thành. Đặc biệt cũng có những công trình lớn như từ đường, nhà thờ đường nét hoa văn công phu có khi phải cả năm mới hoàn thành. Ngoài sản xuất phù điêu, tượng, hoa văn nghệ thuật bằng xi măng, thạch cao…, cơ sở của anh Hậu còn sản xuất chậu cảnh nghệ thuật, tiểu cảnh sân vườn đủ mọi kích cỡ, hình dáng theo nhu cầu của khách hàng.
Hiện anh Hậu đang có đội thợ kép gồm 7 người. Đội thợ này đang thực hiện nhiều công trình từ nhà ở dân dụng cho đến các công trình thờ tự, từ đường, chùa có quy mô lớn ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Thu nhập bình quân của mỗi thợ kép khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của anh còn có 3 - 4 lao động phổ thông làm việc thường xuyên với mức tiền công từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Hầu hết các lao động đều là người tại địa phương. Công việc thuận lợi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ông Võ Phước, một người thợ phổ thông làm việc tại cơ sở của anh Hậu vui vẻ cho biết, nhờ có việc làm ổn định ngay tại thôn nên ông không phải vất vả dãi nắng dầm mưa đi làm thợ nề khắp nơi như trước đây. “Mỗi tháng tôi được trả công 7,5 triệu đồng, so với làm công thợ nề hay làm nông thì thu nhập hiện nay ổn định, công việc cũng đỡ vất vả hơn. Tôi thấy cháu Hậu còn trẻ nhưng rất năng động, giỏi giang, mở hướng phát triển kinh tế thành công ngay tại quê hương như thế là điều rất mừng. Cũng nhờ có cơ sở của cháu mà nhiều người ở quê như tôi có việc làm, thu nhập tốt hơn”, ông Phước bày tỏ.
Theo anh Hậu, đặc thù nghề này là người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, có kỹ năng tạo hình nghệ thuật, thậm chí là phải có tố chất nghệ sĩ… mới cho ra đời những sản phẩm có hồn, mang vẻ đẹp sáng tạo. Bên cạnh đó, làm công việc này cũng đòi hỏi người làm phải có tâm, lựa chọn chất liệu phù hợp để giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, độ bền cao theo năm tháng.
“Tôi có ý định sẽ thuê đất mở rộng quy mô cơ sở, đa dạng hóa thêm mẫu mã, chất liệu sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đồng thời cũng mong muốn được chính quyền địa phương và ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mua sắm thêm máy móc, thiết bị sản xuất. Mục tiêu của tôi là nâng cao hiệu quả kinh tế của cơ sở song song với tạo thêm được nhiều việc làm, thu nhập cho lao động địa phương”, anh Hậu chia sẻ thêm.
Hiếu Giang/QTO
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị