Tin tức

Đại biểu Hoàng Đức Thắng góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp

Thứ năm, 21/05/2020 - 17:46

Ngày 21/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiến hành thảo luận trực tuyến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp. Đại biểu Hoàng Đức Thắng, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng: Việc sửa đổi một số nội dung luật lần này sẽ làm cho luật được chặt chẽ, rõ ràng, tránh những hệ lụy khi áp dụng luật vào thực tiễn sẽ có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến lợi dụng, lạm dụng, lách luật để làm trái quy định của pháp luật.

 
Đại biểu Hoàng Đức Thắng góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị: cần bổ sung một khoản (khoản 8) vào điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm là: “Không từ chối thực hiện việc giám định khi không phù hợp về chuyên môn, không có đủ năng lực, điều kiện thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

Bởi vì, việc từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định thì đó nhất thiết phải là một điều “cấm” mang tính bắt buộc và phù hợp với nguyên tắc hết sức cơ bản là: Không làm những việc không đúng chuyên môn, hoặc không có chuyên môn, không có điều kiện. Trong hoạt động tố tụng, giám định tư pháp là việc làm rất quan trọng, kết luận giám định là thể hiện giá trị khoa học và pháp lý vô cùng to lớn đã từng xảy ra trong “Vụ buôn bán gỗ” tại Quảng Trị mà các cơ quan tố tụng, tòa án đã dựa vào kết quả giám định bất hợp pháp đó mà phán quyết cho là “Vụ án buôn lậu gỗ” khiến bị cáo phải khốn khổ chấp hành hình phạt tù, đang uất ức kêu oan đến Quốc hội, UBTV Quốc hội soi xét minh oan. Thực tế đó là cơ sở cần thiết phải đưa vào nội dung quy phạm pháp luật ràng buộc hết sức chặt chẽ, bằng một điều “cấm” của Luật.

 Tại khoản 10. Sửa đổi, bổ sung Điều 20: Lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, có hai vấn đề cần xem xét.

Thứ nhất: dự thảo quy định “Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu”. Quy định như vậy là thiếu chặt chẽ, bởi vì nếu vấn đề đặt ra ở đây là căn cứ tiêu chí nào để người trưng cầu nhận diện “cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện” để trưng cầu? Việc công nhận cá nhân, tổ chức để xác nhận tư cách pháp nhân cho học thực hiện giám định tư pháp phải được thực hiện đầy đủ các bước quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý vững chắc chứ nhất thiết không thể giản đơn là giao cho người trưng cầu giám định tùy nghi xem xét lựa chọn để thực hiện việc giám định tư pháp. Có thể nói, quy định như vậy là hết sức nguy hiểm, tạo sơ hở pháp lý cho hành vi lợi dụng, lạm dụng vi phạm pháp luật về giám định tư pháp nhất định cần phải được loại bỏ.

Thứ hai, dự thảo quy định: “Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố”. Trong trường hợp này tại sao quy định rằng phải thực hiện bằng một quyết định công nhận cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giám định, mà chỉ dừng lại ở trách nhiệm giới thiệu, không đầy đủ tính pháp lý và tính chịu trách nhiệm của tổ chức giới thiệu.

Mặt khác việc công nhận tư cách pháp nhân cho tổ chức, cá nhân giám định tư pháp đã được pháp luật quy định thực hiện theo một quy trình, yêu cầu rất chặt chẽ, do vậy không thể chỉ với hình thức giới thiệu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp một cách quá dễ dãi, tùy tiện như dự thảo để thực hiện giám định được. Điều này sẽ xung đột nội dung ngay chính một số điều của luật này và các luật khác có liên quan, vì vậy đồng chí đề nghị thay việc giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố bằng một quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu cho đảm bảo tính pháp lý, chính danh, ngôn thuận.

Đề nghị sửa lại “ Trong trường hợp cần trưng cầu đối với những lĩnh vực không có người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thì người trưng cầu giám định đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, quyết định công nhận bổ sung người giám định tư pháp theo vụ việc ngoài danh sách đã được công bố để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu”.

Đồng chí Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị bổ sung thêm ở điều 32: Kết luận giám định Tư pháp do người vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp lập ra không được làm căn cứ để giải quyết vụ án và phải bị hủy bỏ. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với khoản 4, điều 100 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định.
“Kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”.


                                                                                                      Nguyễn Loan – Thanh Châu
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD