Tin tức

Nhiều điểm mới về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026

Thứ hai, 05/04/2021 - 10:23

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được diễn ra vào chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021. Đây là sự kiện quan trọng của đất nước, là cơ hội để Nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để giúp mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, nắm vững các quy định của pháp luật về bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri đối với cuộc bầu cử, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đào Thị Bình, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Quảng Trị.

Bà Đào Thị Bình, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Quảng Trị

Phóng viên: Thưa bà, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện những công việc gì chuẩn bị cho đợt bầu cử biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới?

Bà Đào Thị Bình: Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sở đã biên soạn tờ gấp tìm hiểu về Quốc hội, Hội đồng nhân đân, về quyền nghĩa vụ của cử tri, của người ứng cử để phát cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đăng tải các văn bản liên quan đến cuộc bầu cử để cán bộ, công chức, và người dân tiện tìm hiểu. Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài THTT tỉnh thực hiện các chuyên mục Pháp luật và Đời sống phát trên sóng truyền hình để tuyên truyền về bầu cử. Theo nhu cầu các địa phương, Sở Tư pháp cử báo cáo viên phổ biến pháp luật về bầu cử, đồng thời thành lập tổ giúp việc phục vụ công tác bầu cử, tổ có trách nhiệm giúp đồng chí giám đốc trong việc chỉ đạo huyện Hướng Hóa trong các cuộc họp về việc lập danh sách cử tri; phối hợp với cơ quan Công an rà soát những người dân chưa có Quốc tịch nhưng có CMND/CCCD, Sổ hộ khẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Kiểm tra Danh sách cử tri theo quy định của pháp luật, tham mưu cho lãnh đạo Sở giải quyết các khiếu nại về quyền bầu cử của cử tri.

Phóng viên: Trách nhiệm và quyền của cử tri với việc bầu cử quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kì 2021 – 2026 là như thế nào?

Bà Đào Thị Bình: Công dân có trách nhiệm tham gia và giám sát vào tất cả các công đoạn, các hoạt động của quá trình bầu cử, thể hiện
Thứ nhất, trong các hội nghị tiếp xúc cử tri trước ngày bầu cử và người ứng cử tiếp xúc với cử tri, cử tri cần xem xét, đánh giá được năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động của ứng cử viên để quyết định lựa chọn bỏ phiếu cho ai trong số các ứng cử viên được giới thiệu. 
 Thứ hai là, cử tri có trách nhiệm tham gia giám sát quá trình bầu cử ở đơn vị bầu cử của mình, như việc lập danh sách cử tri; niêm yết danh sánh người ứng cử; thực hiện quy trình, các quy định trong ngày bầu cử... Qua giám sát, cử tri có trách nhiệm phản ánh kịp thời những vi phạm để các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Thứ ba là, cử tri thực hiện quyền và trách nhiệm qua lá phiếu bầu cử, tự tay mình bỏ, không nhờ bỏ hộ, bỏ thay.
Về quyền của cử tri khi bầu cử, pháp luật quy định: trong thời gian lập danh sách cử tri thì: Mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày bầu cử 23/5/2021 có quyền bầu cử  đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri; trừ trường hợp người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.
Công dân có quyền kiểm tra danh sách cử tri được niêm yết công khai tại trụ sở xã, phường, thị trấn và điểm bỏ phiếu.
Trường hợp xảy ra sai sót trong danh sách cử tri thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử.
Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ một sô trường hợp đặc biệt.

 
Tăng cường tuyên truyền cho người dân về công tác bầu cử

Phóng viên: Vậy việc bỏ phiếu được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Đào Thị Bình: Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.
Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục

Về nguyên tắc bỏ phiếu:

Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp dặc biệt theo quy định của pháp luật.
Khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Phóng viên: Nếu lúc bầu cử, cử tri bận tôi có nhờ người đi bỏ phiếu thay được không và trong trường hợp nào thì người dân có thể nhờ người bỏ phiếu thay?

Bà Đào Thị Bình: Về nguyên tắc, cử tri phải tự mình đi bỏ phiếu mà không thể nhờ người đi bỏ hộ được. Tuy nhiên phát luật cũng quy định các trường hợp ngoại lệ đối với cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Pháp luật cũng đã quy định trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử...

Phóng viên: Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về bầu cử thì bị xử lí như thế nào?

Bà Đào Thị Bình: Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể 2 tội liên quan đến bầu cử gồm:

- Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160)

- Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161).

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phóng viên: Cuộc bầu cử biểu quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có những điểm gì mới người dân cũng như các cấp, các ngành cần lưu ý, thưa bà?

Bà Đào Thị Bình: Có một số điểm mới trong công tác bầu cử nhiệm kỳ tới đây mà chúng ta cần biết như sau: Thứ nhất, về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chặt chẽ hơn, bổ sung tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là chỉ có 01 quốc tịch Việt Nam. Điểm mới này có tác động đến công tác rà soát hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bảo đảm kỹ lưỡng, thận trọng, tránh để lọt những người không xứng đáng vào ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hai là. số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người (tăng 5% so với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014).
Ba là, số lượng tổng thể đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều giảm từ 5 – 10 đại biểu tùy từng cấp.

Phóng viên: Vậy, Sở Tư pháp tiếp tục hiện công tác tuyên truyền như thế nào trong thời gian tới?

Bà Đào Thị Bình: Sở Tư pháp tiếp thục thực hiện các Kế hoạch liên quan đến công tác bầu cử đã đề ra như: phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” do Bộ Tư pháp tổ chức, tiến hành phát tờ gấp về bầu cử cho các địa phương để làm tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo hướng dẫn công tác bầu cử tại huyện Hướng Hóa, tiếp tục đăng tải các tin bài về bầu cử trên Trang thông tin điện tử của Sở, đặc biệt là các tin bài về kết quả và thắng lợi của cuộc bầu cử sau ngày 23/5/2021.
Trong thời gian tới, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và các cơ quan ban ngành, địa phương cần thường xuyên nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận, những vấn đề phát sinh, bức xúc của các tầng lớp Nhân dân trước, trong và sau bầu cử để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng xem xét, giải quyết. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư về bầu cử… góp phần cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn bà với những thông tin vừa rồi.

Nguyên Bảo

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD