Tin tức

Lễ hội Đền Hùng trong tâm thức của người Việt Nam

Thứ tư, 21/04/2021 - 10:00

Lễ hội Đền Hùng là dịp giỗ Tổ thiêng liêng - ngày văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam được tổ chức quy mô cấp quốc gia, năm 2005, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính thức trở thành Quốc lễ. Hằng năm vào dịp cuối mùa xuân, Nhân dân cả nước nô nức hành hương hướng về đất Tổ, tưởng niệm các vua Hùng- Người có công mở nước và dựng nghiệp, lập ra nhà nước Văn Lang cổ đại. Đây là một trong những ngày hội lớn nhất của dân tộc Việt Nam; một hình thức thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của con Lạc, cháu Hồng, phản ánh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, được khắc sâu trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử, cũng như ở hiện tại và tương lai.

Quang cảnh buổi hành lễ giỗ Tổ Hùng Vương -Ảnh: TTĐN​

 

Lịch sử thời đại Hùng Vương là những trang sử đầu tiên của lịch sử Việt Nam, “Nước Việt Nam ta về đời Hồng Bàng (2897 - 258, trước công nguyên) gọi là Văn Lang…”; thời đại mang trong đó cả tương lai của dân tộc. Nói một cách khác, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc như kiên cường, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm, đoàn kết để dựng nước và giữ nước, cần cù lao động, giàu tính sáng tạo, rất mực yêu thương, đùm bọc nhau… được khai hoa, kết trái trong các thời kỳ lịch sử sau này, nhưng đều có mầm mống nảy nở từ thời đại Hùng Vương. Đặc biệt, cũng trong thời đại Hùng Vương, tên nước Văn Lang ra đời và trở thành Quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Từ rất sớm các làng xã, bộ lạc hợp thành nước Văn Lang. Tình cảm yêu nước bắt đầu từ lúc các bộ lạc Lạc Việt hợp thành nước Văn Lang. Trung tâm sinh hoạt nghệ thuật của Nhân dân nước Văn Lang và nước Âu Lạc là làng xã. Những ngày hội trong làng là dịp để cho mọi người đua nhau biểu diễn tài nghệ ca hát, nhảy múa. Làng còn là trung tâm sáng tác các truyện thần thoại và truyện cổ tích có giá trị, truyền lại tới ngày nay. Trống đồng là một nhạc khí tiêu biểu và điển hình về nhiều mặt của thời đại Hùng Vương. Nhìn vào các hoa văn in trên mặt trống đồng mang tính nghệ thuật, vừa hiện thực vừa cách điệu, ta thấy như tổ tiên luôn hiện hữu, đang chèo đò, giã gạo, ca múa, chiến đấu...

 

Theo truyền thuyết, người Việt Nam có cha là Lạc Long Quân và mẹ là Âu Cơ. Mẹ Âu Cơ được coi là Tổ Mẫu của cộng đồng người Việt Nam. Mẹ sinh một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con, theo cha mẹ lên rừng, xuống biển, hình thành dân tộc, lập nên quốc gia, với lời tâm huyết dặn dò muôn đời con cháu phải thương yêu đùm bọc nhau như ruột thịt thì mới tồn tại mãi mãi trong danh dự. Người Việt gọi nhau là đồng bào với ý nghĩa đất nước chẳng những là “ngôi nhà chung” mà còn là “cái nôi chung” của tất cả cộng đồng người Việt. Thực tế, trong xã hội thời đại Hùng Vương, số phận cá nhân gắn với số phận cộng đồng bởi hoàn cảnh địa lý tự nhiên của đất nước tuy có nhiều thuận lợi, như đất đai phì nhiêu, lúa nước và dâu tằm được trồng từ rất sớm, sông lạch, ao hồ lắm tôm cá, rừng lắm gỗ quý, dưới đất có nhiều kim loại,… nhưng cũng có rất nhiều khó khăn bởi thiên tai, địch họa. Trước hoàn cảnh điều kiện địa lý tự nhiên của đất nước có nhiều thử thách như vậy đòi hỏi người dân Văn Lang, Âu Lạc phải hiệp đồng, đoàn kết để đắp đê phòng lụt, trị thủy, cùng nhau chống ngoại xâm.

 

Thực tiễn lịch sử đã chỉ rõ, chính nhờ ý thức đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, nên khi quân Tần phát động chiến tranh xâm lược trong thế kỷ thứ III (Tr.CN), người Việt đã dũng cảm đứng lên đánh bại kẻ thù. Đó chỉ là một minh chứng cụ thể về tinh thần cố kết cộng đồng người Việt cổ, mà không phải nước cổ đại nào thời kỳ đó cũng làm được như đất nước Văn Lang: Sinh tồn bền vững lâu dài, cương vực ổn định, hình thành bằng sự hợp nhất tự nguyện. Sự cố kết cộng đồng, niềm tự hào về nòi giống Lạc Hồng đã thúc giục người Việt chiến đấu bảo vệ “cái nôi chung” là đất nước. Đây cũng chính là lời nhắn nhủ của tiền nhân đối với các thế hệ Việt Nam mai sau “dựng nước đi đôi với giữ nước”.

 

Ngay từ các triều đại phong kiến kế tiếp thời đại Hùng Vương cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua mọi gian nan, thử thách, dựng nước luôn gắn liền với giữ nước. Đó là yếu tố căn bản để các thế hệ người Việt Nam giữ cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn.

 

Ngày nay, thực hiện đường lối chiến lược “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, các cấp ủy đảng, chính quyền đã và đang tích cực thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm cho mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam trong và ngoài nước tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.



Hà Thành/QTO

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD