Tin tức

Người làm "cầu nối" đưa dược liệu Cam Lộ ra thế giới

Thứ ba, 25/05/2021 - 16:30

Những ngày đầu tháng 4/2021, lần đầu tiên lô hàng gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Có thể nói, đây là kết quả của quá trình nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp của lãnh đạo huyện Cam Lộ nhằm tạo cơ hội cho mặt hàng dược liệu địa phương vươn ra thế giới. Nhưng người làm “cầu nối” quan trọng và góp phần không nhỏ vào việc đưa cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ xuất khẩu sang Mỹ là chị Lê Thị Thúy Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS Việt Nam - một người con quê hương Cam Lộ đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Người làm "cầu nối" đưa dược liệu Cam Lộ ra thế giới

Chị Lê Thị Thúy Vân (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo huyện Cam Lộ tìm hiểu mô hình trồng cây dược liệu tại tỉnh Tây Ninh
 
Chị Lê Thị Thúy Vân (sinh năm 1981), quê ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông nhưng với ước mơ làm kinh doanh, sau khi học hết THPT chị Vân thi đậu vào trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.. Tốt nghiệp năm 2003, chị Vân không về quê mà ở lại thành phố để thực hiện ước mơ của mình. Trải qua nhiều công việc khác nhau và điểm dừng chân cuối cùng của chị là Công ty cổ phần AGRIDYNAMICS Việt Nam. Đây là công ty thuộc một tập đoàn sản xuất dược phẩm lớn ở Mỹ. Với vai trò là giám đốc điều hành, chị Vân có nhiều cơ hội để làm việc với nhiều đối tác lớn và quan trọng. Quá trình làm việc, tìm kiếm thị trường đầu ra cho các loại nông sản của Việt Nam, chị biết được một doanh nghiệp ở Mỹ đang cần một loại cây dược liệu là an xoa để bào chế thuốc. Để có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, ban đầu chị Vân xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Bình Phước nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên bị thất bại. Lần giở trong trí nhớ cũng như liên lạc tìm hiểu qua người thân, chị biết được loại cây này ở quê nhà Cam Lộ mọc tự nhiên trên các vùng đồi rừng khá nhiều. Nhiều gia đình ở địa phương đã cắt về để nấu cao bán cho người dân pha chế nước uống hàng ngày, nhất là những người bị bệnh về gan. Ngay lập tức chị nhờ người thân vào thôn Tân Xuân, xã Cam Thủy mua 2 kg cao đưa vào TP. Hồ Chí Minh để gửi sang Mỹ phân tích các thành phần dược tính và được chấp nhận.
 
“Quá trình phân tích các thành phần trong cao dược liệu an xoa ở Mỹ được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, khắt khe với 19 tiêu chuẩn về hàm lượng dược chất, nhất là sản phẩm phải có nguồn gốc từ thiên nhiên, không pha trộn tạp chất, các loại phụ gia... Ban đầu phía đối tác yêu cầu sản phẩm phải sấy ép lạnh lấy tinh dầu và tán bột, tuy nhiên do công nghệ này ở Cam Lộ chưa làm được nên họ chấp nhận dạng cao”, chị Lê Thị Thúy Vân cho biết.
 
Sau khi sản phẩm được chấp nhận, công ty của chị Vân mới tiến hành các thủ tục để xuất khẩu sang Mỹ. Để xuất được cao dược liệu an xoa sang Mỹ, lô hàng đó phải trải qua nhiều công đoạn như test các thành phần theo yêu cầu của đối tác, làm các thủ tục hải quan. Từ khi làm thủ tục đến khi xuất khẩu được hàng đi phải mất khoảng 4 tháng.
 
Kể từ khi sản phẩm cao dược liệu an xoa được đối tác chấp nhận và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chị Lê Thị Thúy Vân đã tính đến việc xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho người nấu cao ở địa phương. Chị đã cùng với lãnh đạo huyện Cam Lộ bàn bạc, đi khảo sát điều kiện đất đai để triển khai trồng thử nghiệm 3,5 ha tại xã: Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Hiếu. Quá trình triển khai, doanh nghiệp của chị đã hỗ trợ giống, phân bón trên diện tích 2 ha, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về hướng dẫn quy trình làm đất, chăm sóc cây an xoa cho người dân. Hiện tại, phần lớn diện tích cây an xoa được trồng thử nghiệm tại Cam Lộ đều sinh trưởng và phát triển tốt. “Theo biên bản ghi nhớ giữa huyện Cam Lộ với Công ty cổ phần AGRIDYNAMICS Việt Nam, trong 6 tháng đầu, mỗi tháng huyện Cam Lộ sẽ xuất gần 1 tấn cao, từ tháng thứ 7 trở đi, khi đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu tại chỗ, mỗi tháng xuất từ 2 - 3 tấn. Vì vậy nguồn nguyên liệu đầu vào phải cần rất nhiều, diện tích trồng có thể phải mở rộng lên đến hàng chục héc ta mới đáp ứng đủ”, chị Vân cho biết thêm.

Ngoài sản phẩm cao dược liệu an xoa, hiện nay chị Lê Thị Thúy Vân đang tiếp tục kết nối với phía đối tác đưa thêm một số sản phẩm nông sản của huyện Cam Lộ như tiêu Cùa, tinh bột nghệ, cao cà gai leo, chè vằng sang Mỹ để giới thiệu và test thử các thành phần dược chất, tìm kiếm cơ hội đầu ra cho nông sản quê nhà. “Cam Lộ là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu các loại với diện tích lên đến gần 100 ha. Tuy nhiên lâu nay, đầu ra sản phẩm cao dược liệu chủ yếu ở thị trường trong nước. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là sự giúp đỡ của chị Lê Thị Thúy Vân, lần đầu tiên có một sản phẩm cao dược liệu của huyện được xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Đây là kết quả một quá trình nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo huyện Cam Lộ nhưng người làm “cầu nối” quan trọng nhất là chị Vân, một người con Cam Lộ đi xa nhưng luôn nặng lòng với quê nhà”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh chia sẻ.

Anh Vũ 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD