Tin tức

Chống khai thác hải sản bất hợp pháp: Còn nhiều bất cập

Thứ tư, 09/06/2021 - 10:05

Tỉnh Quảng Trị hiện đang tích cực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá để bảo đảm truy xuất nguồn gốc thủy hải sản một cách đầy đủ, minh bạch, góp phần cùng cả nước lấy lại “thẻ xanh” cho ngành Thủy sản Việt Nam. Mặc dù, việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần kịp thời tháo gỡ.

Bến tàu cá neo đậu tại cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh

Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là địa phương có tổng số tàu thuyền lớn với 174 chiếc có tổng công suất gần 51.000 CV. Sau mỗi chuyến ra khơi hay đánh bắt trở về cảng cá Cửa Việt, các chủ tàu cá tại địa phương đều tuân thủ khá nghiêm túc mọi hoạt động cấp phép cập cảng, xuất cảng để các cơ quan chức năng nắm được lịch trình hoạt động, khối lượng đánh bắt của các tàu cá. Ông Võ Hồng Thanh, Chủ tàu QT 91019 kp 5, TT Cửa Việt, Gio Linh cho biết: “Từ khi được cán bộ địa phương tuyên truyền, gia đình chúng tôi đã chấp hành việc lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá. Còn việc khai báo lịch trình, chúng tôi cũng đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, đánh bắt những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, mong các cấp có những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho chúng tôi”.

Thực tế, không phải chủ thuyền nào cũng có ý thức để thực hiện việc lắt đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ mới có 163/311 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm tỉ lệ hơn 52%, nằm ở nhóm thấp nhất trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nguyên nhân là do bên cạnh những tàu cá chưa chấp hành lắp đặt theo quy định thì còn một số lượng lớn tàu cá thuộc nhóm tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên nhưng công suất máy dưới 90 CV buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT hoặc phải cải hoán để đáp ứng các quy định của Luật Thủy sản. Hiện việc cải hoán nhóm tàu này đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn dù chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Xuân Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con việc thực hiện nghiêm túc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, và khai báo hành trình. Đến thời điểm này, toàn thị trấn đã hoàn thành hơn 85% tàu thuyền được lắp đặt thiết bị. Chúng tôi sẽ cố gắng động viên để bà con tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”.

Toàn tỉnh hiện có 1.363 tàu cá các loại; trong đó số lượng tàu cá tại vùng khơi là 311 chiếc, vùng lộng 189 chiếc, vùng bờ 863 chiếc. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thủy sản. Qua đó, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu đối với hàng thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với nhóm 117 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên nhưng có công suất dưới 90 CV. Chính vì vậy, hiện nay 117 tàu cá nói trên vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác thủy sản và chủ tàu chưa lắp thiết bị GSHT tàu cá theo quy định. Nhưng để đảm bảo kế sinh nhai, nhiều ngư dân vẫn phải ra biển để đánh bắt gây khó khăn trong việc quản lý khai thác; làm ảnh hưởng đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

 Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: “Trước đây Luật Thủy sản 2003 quy định quản lý tàu cá theo công suất nên số tàu này đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản hoạt động tại vùng bờ hoặc vùng lộng. Nhưng hiện nay,  Luật Thủy sản 2017 lại quy định quản lý tàu cá theo chiều dài và với chiều dài từ 15 mét trở lên, 117 tàu cá nói trên chỉ được phép khai thác tại vùng khơi không được khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng. Để thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản và khắc phục những tồn tại trong chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân cải hoán tàu cá cho phù hợp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực thực hiện việc vận động, hỗ trợ ngư dân thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu thuyền”.

Đối với tỉnh Quảng Trị, phát triển nghề cá được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy kinh tế biển và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhất là trong điều kiện hội nhập, khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản được cho là một trong những ngành mũi nhọn để nâng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống cho ngư dân. Tuy nhiên, nếu những khó khăn vướng mắc hiện tại không sớm được tháo gỡ. Vấn đề truy xuất nguồn gốc hải sản không được tiến hành nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả thì sẽ có rất nhiều bài học đáng tiếc cho nền kinh tế, mà chịu thiệt hại lớn nhất chính là người dân địa phương.

Trước việc tăng cường giám sát đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam và tình hình triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC), ngành nông nghiệp, các cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên tuyên truyền đến ngư dân, các chủ tàu thuyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản; đồng thời khuyến cáo ngư dân đánh bắt đúng ngư trường quy định. Đối với các chủ tàu vi phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài đều sẽ có những chế tài xử phạt nghiêm minh. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn chính là ý thức của ngư dân đối với quá trình đánh bắt trên biển. Việc khai thác hải sản hợp pháp có trách nhiệm theo hướng bền vững, có khai báo không những góp phần đảm bảo an toàn môi trường biển mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản phát triển bền vững./.

Minh Dương – Minh Trí

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD