Tin tức

Nhân Ngày quốc tế người cao tuổi 1/10: Cần đồng bộ chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và an sinh xã hội

Thứ ba, 01/10/2019 - 10:24

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trên tổng dân số tăng lên với tốc độ nhanh chóng, từ 8,1% (năm 1999) lên 8,6% (2009) và hiện nay là khoảng 12%, tương đương khoảng 11,9 triệu người.

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 - 22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với các bệnh không lây nhiễm, càng lớn, điều này đặt ra những vấn đề cần giải quyết để bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Chăm sóc người cao tuổi còn nhiều thách thức

Chú thích ảnh
 Đồng chí Phạm Quang Ngọc - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm, tặng quà cho cụ Phạm Thị Tảo tròn 100 tuổi ở xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn). Ảnh: Minh Đức/TTXVN


Công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Trong tổng số hơn 11,9 triệu người cao tuổi hiện nay còn một bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già; một bộ phận vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống; một số chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe; một số ít chưa được người thân quan tâm; một số người cô đơn, không nơi nương tựa. Đặc biệt, người cao tuổi có ít cơ hội được tập huấn, đào tạo nghề; gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng chăm sóc sức khỏe, khả năng chi trả của người cao tuổi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhưng mạng lưới y tế cho người cao tuổi vẫn chưa được phát triển, nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng còn thiếu; kỹ năng phát hiện, điều trị và chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế.

Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông- Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) Mai Xuân Phương cho rẳng hệ thống an sinh xã hội hiện nay của nước ta chủ yếu là dành cho trẻ em nhưng trẻ em thì càng ngày càng ít, số lượng người cao tuổi lại gia tăng nhanh chóng. Đơn cử như trong việc chăm sóc sức khỏe, trẻ em có rất nhiều bệnh viện nhi nhưng cả nước chỉ có mỗi một Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chưa có bệnh viện lão khoa khu vực.

Tính đến cuối năm 2016, cả nước chỉ có 50 Khoa Lão khoa tại các bệnh viện tỉnh và trung ương; 302 phòng khám lão khoa trong tổng số hơn 800 bệnh viện trong cả nước. Hệ thống bệnh viện và khoa lão ít, không được trải rộng khiến người cao tuổi khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc mất thời gian chờ đợi để được khám, chữa bệnh. Tình trạng đa bệnh tật ở người cao tuổi gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi các nhân viên y tế phải được đào tạo và đào tạo lại về những bệnh lý hay gặp ở người già (đau mạn tính, suy giảm chức năng, bệnh lý tâm thần, bệnh tim mạch, đái tháo đường…).

Với xu hướng gia đình có ít con, các gia đình phải thuê dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà và bệnh viện nhưng hiện nay mạng lưới nhân viên chăm sóc có chất lượng chưa được phát triển. Các gia đình phải thuê những người chăm sóc không được đào tạo, chất lượng thấp, chi phí cao. Bên cạnh đó, chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi rất cao, trong khi thu nhập trung bình của người cao tuổi thấp hoặc không có, điều này dẫn đến gánh nặng lớn về nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Việc tạo môi trường thân thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thể chất và xã hội của người cao tuổi cũng chưa được đảm bảo như: nhiều đơn vị (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân) chưa thực hiện quy định “giảm giá vé khi tham gia giao thông công cộng, tham gia các hoạt động văn hóa, sự kiện thể thao và để đi đến các địa điểm công cộng” cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi; vấn đề già hóa dân số không được lồng ghép một cách có hệ thống trong chương trình nông thôn mới, dù thực tế có tới 65% người cao tuổi đang sống ở khu vực nông thôn…

Đảm bảo cho người cao tuổi hòa nhập xã hội

 
Chú thích ảnh
Người cao tuổi đến xếp hàng làm thủ tục tại các điểm cấp phát thẻ xe buýt miễn phí. Ảnh: TTXVN


Để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong xu hướng già hóa dân số, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nâng cao nhận thức về những thách thức của già hóa dân số và đời sống của người cao tuổi đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cộng đồng. Nhà nước cần giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm đảm bảo và cải thiện thu nhập của người cao tuổi có được từ lao động và hưu trí như: khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi dễ tổn thương theo hướng mở rộng; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các nhóm dân số; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật.

Ngoài ra, Nhà nước cần phát triển mạnh mẽ hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi; tạo điều kiện hỗ trợ cho các trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi do tư nhân cung cấp; xây dựng hệ thống bệnh viện và tổ chức nghiên cứu lão khoa trên phạm vi cả nước; xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mạn tính.

Vấn đề môi trường sống thân thiện, đi lại thuận lợi cho người cao tuổi ở cả đô thị, nông thôn cũng cần đươc quan tâm bằng cách đầu tư xây dựng công viên, vườn cây, sân chơi cho nhà chung cư cao tầng, nhà văn hóa làng để người cao tuổi gặp nhau và giao lưu với thế hệ trẻ; thiết kế các làn đường đặc biệt và các phương tiện thuận tiện; đảm bảo đường, lối đi và tiện ích công cộng dễ sử dụng và an toàn…

Già hóa dân số là xu hướng tất yếu của sự phát triển đối với một quốc gia. Tiến trình già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của xã hội, các thành phần kinh tế và các nhóm dân số trẻ tuổi hơn. Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng có hướng tiếp cận toàn diện để thích ứng và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số, chuẩn bị cho một xã hội già trong tương lai. Việc xây dựng các chính sách liên quan cần xuất phát từ cách nhìn nhận người cao tuổi là một nguồn lực cho phát triển chứ không phải là những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội một cách thụ động. Trong đó, phải đặt trọng tâm vào việc giúp người cao tuổi có một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc.


Theo Báo Tin tức 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD