Tin tức

Năm ‘chưa’ trong phòng chống dịch COVID-19 ở các địa phương

Chủ nhật, 15/08/2021 - 15:12

Thời gian qua, công tác tổ chức thực hiện phòng chống dịch COVID-19 tại một số nơi, một số thời điểm chưa nghiêm, chưa đầy đủ, chưa dứt khoát, chưa thực chất, chưa thống nhất các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch.

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về công tác phòng chống dịch COVID-19 và kết quả thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.



Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo kết quả công tác thực hiện Chỉ thị số 16 tại các tỉnh, thành phố. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chưa thực hiện triệt để các biện pháp giãn cách xã hội
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 13/8/2021, nghĩa là sau 26 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (21 ngày giãn cách tại TP Hà Nội; 22 ngày giãn cách tại tỉnh Phú Yên; 7 ngày giãn cách tại tỉnh Khánh Hòa và 13 ngày giãn cách tại TP Đà Nẵng), các địa phương này đã ghi nhận 216.719 ca mắc, trong đó số ca mắc ghi nhận qua sàng lọc tại cộng đồng là 39.918, chiếm 18,4% tổng số ca mắc trong thời gian thực hiện giãn cách. Số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng đã bắt đầu có xu hướng giảm tại một số địa phương.
 
Về công tác tiêm chủng, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai tiêm chủng được 7.401.714 liều vaccine (đạt 79.8%), gồm có 7.009.474 liều mũi 1 và 392.240 liều mũi 2. Riêng TP Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm chủng được 4.483.304/4.972.420 liều vaccine (đạt 90.2%), trong đó có 4.352.818 liều mũi 1 và 130.486 liều mũi 2. 
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng một số địa phương chưa thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại nhiều địa phương thực hiện chưa triệt để; thiếu chủ động, có sự lúng túng, e ngại khi triển khai mua sắm các vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch. Do đó khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu về xét nghiệm, có tình trạng thiếu trang thiết bị ở một số cơ sở điều trị. 
 
Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân còn có tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh, không thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, triển khai chưa triệt để các biện pháp đảm bản an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh. Khó khăn trong việc đáp ứng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp thiếu nguồn lực duy trì hoạt động; khó khăn trong công tác thu hoạch, thu mua nông, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.
 
Chưa có sự thống nhất trong quy định của các địa phương đối với việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa dẫn đến có tình trạng ùn ứ hàng hóa, ách tắc giao thông liên tỉnh. 
 
Công tác tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số địa bàn chưa thực hiện tốt dẫn đến việc trả kết quả chậm, do vậy không kịp thời phát hiện các trường hợp F0 để đưa ra khỏi cộng đồng làm giảm lây nhiễm và tổ chức cách ly, khoanh vùng, làm tăng tốc độ lây nhiễm và tăng nhanh số ca mắc trong thời gian ngắn. Công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị chưa thực sự hiệu quả dẫn đến người bệnh được chuyển tuyến muộn ở một số nơi, làm giảm cơ hội cứu chữa. 
 
Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đáp ứng được tiến độ mong muốn ngoài nguyên nhân do nguồn cung vaccine còn hạn chế. Ngoài ra có các nguyên nhân chủ quan do một số địa phương chậm và thực hiện phê duyệt kế hoạch tiêm chủng theo đợt. Thiếu trang thiết bị bảo quản vaccine đối với các loại vaccine có tiêu chuẩn bảo quản khác nhau.
 
Công tác điều phối tiếp nhận, vận chuyển vaccine từ kho bảo quản về địa phương chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ. Có tâm lý e ngại việc tổ chức tiêm chủng tại các khu vực đang cách ly, phong tỏa và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của các loại vaccine dẫn đến xuất hiện hiện tượng chờ, chọn loại vaccine tiêm chủng.
 
Các ứng dụng công nghệ thông tin có sẵn nền tảng, nhưng chưa được thực hiện đồng bộ. Nhiều phần mềm được xây dựng, triển khai tuy nhiên tính ứng dụng trong thực tế hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác điều hành, triển khai hoạt động công nghệ thông tin tại các địa phương, cơ sở còn chưa hiệu quả do điều phối chưa tốt, thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu.
 
Chú thích ảnh
Khám sàng lọc cho công nhân trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm 
 
Để thực hiện quyết liệt, triệt để hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh như tại nội dung Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8 của Chính phủ; đồng thời để nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự xã hội và tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng thời gian tới các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; chỉ đạo tốt, tuân thủ tốt, thực hiện tốt trong điều hành, quản lý công tác phòng, chống dịch ở các cấp trên địa bàn. 
 
Đẩy mạnh và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại từng tổ dân phố, khu dân cư... Động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, hiệu quả trong phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. 
 
“Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng các địa phương cần áp dụng các biện pháp cao hơn nếu không đạt hiệu quả. Thực hiện xét nghiệm thần tốc, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
 
Xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiên quyết bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” trên địa bàn để từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch tiếp tục lây lan rộng hơn.
 
Đối với ngành y tế, áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình 3 tầng của Bộ Y tế.
 
Tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm COVID-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động lực lượng y tế của các ngành và tư nhân.
 
Các địa phương tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là đối với người dân tại các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, các đối tượng yếu thế; đảm bảo thực hiện thu dung, điều trị, cấp cứu kịp thời cho người dân khi có yêu cầu. 
 
Chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch tổng thể về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn để nhanh chóng triển khai tiêm ngay khi có vaccine về Việt Nam, được phân bổ. Tập huấn cho các lực lượng tham gia tiêm chủng, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, minh bạch thông tin để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, huy động, vận động người dân tự giác tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, không gây hoang mang, lo lắng, mất cảnh giác trước diễn biến của dịch bệnh. 
 
Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; không để đứt gãy các chuỗi sản xuất tạo điều kiện thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.


Theo Báo Tin tức

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD