Tin tức

Biến thể Delta hoành hành, Singapore lúng túng trong chiến lược sống chung với Covid-19

Thứ năm, 09/09/2021 - 09:33

Singapore có thể phải tái áp đặt các hạn chế nếu đợt bùng phát Covid-19 do biến thể Delta hiện nay không được khống chế. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho mô hình sống chung với Covid-19 của Singapore và cũng là lời cảnh báo đối với các nước theo đuổi chiến lược tương tự.

Đi lại không cần cách ly và nới lỏng đáng kể các biện pháp giãn cách xã hội là những gì giới chức Singapore đã hứa hẹn với người dân khi tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Từ 8/9, người dân Singapore đã tiêm chủng đầy đủ có thể đi lại tới Đức hay Brunei và trở về mà không phải cách ly. Singapore cũng cho phép những người đã tiêm chủng từ cả 2 nước trên được phép tới Singapore khi có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19.

Dù vậy, sau khi ghi nhận 1.325 ca mắc Covid-19 trong tuần trước, tăng gần gấp đôi so với con số 723 của tuần trước đó, Singapore đã phải công bố lệnh cấm tụ tập và tiếp xúc tại các công sở…

Bộ trưởng Tài chính, người đứng đầu lực lượng ứng phó với Covid-19 của Singapore, ông Lawrence Wong ngày 6/9 cho biết, điều chính phủ nước này lo ngại không chỉ là tổng số ca mắc hàng ngày mà còn cả tỷ lệ lây lan của virus.

“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ nhiều nước khác rằng, khi số ca mắc tăng mạnh, sẽ có nhiều trường hợp cần đến đơn vị điều trị tích cực (ICU), nhiều người tử vong vì Covid-19”, ông Lawrence Wong nói.

Singapore theo đuổi chính sách “không Covid-19” trong các đợt bùng phát trước đây, áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ như đóng cửa các nhà hàng, đóng cửa biên giới và bắt buộc giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, chính phủ nước này công bố kế hoạch theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19, theo đó kiểm soát các đợt bùng phát bằng vaccine và theo dõi các trường hợp nhập viện, thay vì hạn chế cuộc sống của người dân.

Biến thể Delta lây lan mạnh, Singapore phải áp hạn chế mới

Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 88% người trưởng thành đã được tiêm đầy đủ.

Trong tháng 8 vừa qua, Singapore bắt đầu nới lỏng hạn chế, cho phép những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể ăn tối tại nhà hàng, tụ tập theo nhóm 5 người thay vì chỉ 2 người như trước đó.

Tuy nhiên, ông Laurence Wong cho biết, đợt bùng phát mới đã khiến việc mở cửa có thể phải dừng lại. Theo ông Wong, Singapore sẽ nỗ lực kiềm chế đợt dịch mới bằng cách truy vết chặt chẽ lịch sử tiếp xúc cũng như khoanh vùng dập dịch.

Việc bắt buộc xét nghiệm đối với nhóm người lao động có nguy cơ cao sẽ được thực hiện thường xuyên hơn, 1 lần/tuần thay vì 2 lần/tuần như trước đây. Danh sách nhóm lao động phải xét nghiệm bắt buộc cũng sẽ mở rộng, gồm cả các nhân viên bán lẻ, đội ngũ giao hàng và giao thông công cộng.

Singapore cũng cấm toàn bộ việc tụ tập tại nơi làm việc từ ngày 8/9, khuyến khích người dân tránh tham gia sự kiện xã hội không cần thiết.

Theo ông Wong, với những nỗ lực làm chậm tốc độ lây lan của biến thể Delta, cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao, Singapore vẫn có khả năng duy trì việc mở cửa trong đợt dịch mới. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng phải trở lại trạng thái “cảnh giác cao độ” với các lệnh cấm ăn tối tại nhà hàng, hoặc thậm chí không được ra ngoài ngoại trừ đi mua thử phẩm hoặc tập thể dục ngoài trời.

“Bất chấp các nỗ lực, chúng tôi nhận thấy, khi số ca mắc tăng mạnh, số ca mắc bệnh nặng cần oxy y tế và ICU cũng tăng theo, khi đó chúng tôi có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải siết chặt các hạn chế. Đó là lý do chúng tôi không thể loại trừ kịch bản này”, ông nói.

Tái áp đặt hạn chế: Viên thuốc đắng nhưng cần thiết

Giáo sư Jeremy Lim tại trường Y tế cộng đồng Saw Swee thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng, sự thận trọng của ông Wong là dựa trên các mô hình dịch tễ và những lo ngại này là điều có thể hiểu được.

Theo mô hình của Alex Cook, Phó trưởng khoa nghiên cứu trường Y tế cộng đồng Saw Swee, nước này có thể ghi nhận 1.000 ca/ngày vào cuối tháng 9 nếu biến thể Delta tiếp tục lây lan với tốc độ như hiện nay. Khi số ca bệnh tăng cao, số ca phải điều trị ICU cũng như số ca tử vong cũng tăng.

“Tình hình dịch Covid-19 ở Singapore vẫn rất lạc quan” – ông Cook cho biết, đồng thời nhấn mạnh nước này mới chỉ ghi nhận 55 trường hợp tử vong.

Hiện Singapore có 643 bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện, chỉ 6 người trong này đang phải điều trị ICU.

“Mặc dù chúng tôi dự đoán con số này sẽ tăng lên trong những ngày tới, nhưng những trường hợp nghiêm trọng tại Singapore hiện nay chủ yếu là thuộc nhóm thiểu số đã từ chối tiêm chủng”, ông Cook nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giáo sư Lim nói rằng, những tuyên bố thận trọng của Bộ trưởng Laurence Wong có thể là “viên thuốc đắng” đối với đa số người dân Singapore - những người đã tuân thủ nghiêm túc quy định của chính phủ và mong đợi việc mở cửa trở lại trong tháng 9 và trở lại cuộc sống bình thường mới.

Giáo sư David Allen, nhà tư vấn cao cấp tại trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc NUS, cũng có chung nhận định. Theo ông, việc chính phủ Singapore thông báo tình hình dịch Covid-19 đã thay đổi là hoàn toàn phù hợp, nhưng người dân chỉ muốn nghe phần thông tin phù hợp với mong muốn của mình. Khi đã mệt mỏi vì đại dịch, họ thường sẽ cảm thấy khó chịu với các biện pháp hạn chế.

Đây là một tình huống hiếm gặp đối với Singapore, bởi chính phủ nước này được đánh giá cao về những thông điệp sắc bén trong cuộc chiến chống Covid-19 và chiến dịch tiêm chủng thành công.

Lời cảnh báo cho các nước khác

Lập trường thận trọng của chính phủ Singapore cho thấy những khó khăn mà các nước châu Á khác, vốn theo đuổi chiến lược “không Covid”, sẽ phải đối mặt khi hướng tới mô hình sống chung với Covid-19 tương tự.

Tại Australia, hàng triệu người dân ở các bang New South Wales và Victoria đã phải sống trong lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng khi giới chức địa phương tìm cách kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta và đưa số ca mắc Covid-19 về 0. Lãnh đạo các bang này cũng đã phải thừa nhận chiến lược “không Covid” là bất khả thi.

Chính phủ Australia hồi tháng 8 tuyên bố khi nào 70% dân số trên 16 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine, nước này sẽ nới lỏng dần các biện pháp hạn chế. Tính đến 6/9, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi ở nước này mới chỉ đạt 38,4%.

Australia cũng cân nhắc khả năng sống chung với Covid-19, mặc dù một số lãnh đạo bang phản đối việc nối mở cửa biên giới bang quá vội vàng.

Trong khi đó, bang Tây Australia và Queensland hiện đã đạt được mục tiêu đưa số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng về 0.

“Chúng tôi có những cộng đồng tự do và cởi mở nhất trên thế giới và chúng tôi muốn duy trì chiến lược hiện nay cho đến khi tiêm chủng cho toàn bộ dân số của mình. Ý tưởng chúng ta rồi sẽ phải quyết định chấp nhận lây nhiễm virus là hoàn toàn điên rồ”, Thủ hiến Tây Australia Mark McGowan nói ngày 30/8.

Một số chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng, nếu các biện pháp hạn chế được nới lỏng trước khi tỷ lệ tiêm chủng ở các cộng đồng có nguy cơ cao đạt mức đủ cao, thì kết quả của việc sống chung với Covid-19 có thể trở thành thảm họa./.

Theo VOV.VN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD