Tin tức

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến tại diễn đàn Quốc hội

Thứ ba, 09/11/2021 - 16:09

Chiều qua 8/11/2021, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024… Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã tham gia ý kiến. Sau đây là phát biểu của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội:

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: P.T

 

Giữa hai Kỳ họp thứ nhất và thứ hai của Quốc hội nhiệm kỳ mới này thời gian chỉ chưa đầy ba tháng nhưng cả nước đã trải qua những khó khăn chưa từng có. Các đại biểu đang công tác tại địa phương khi thảo luận tại tổ đều đánh giá rất cao nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này. Song chúng ta cũng phải thấy rằng, có những khó khăn không hẳn do COVID-19 mà do những hạn chế, yếu kém từ nhiều năm chậm được khắc phục.

 

Như chúng ta đều biết, tháng 10 đầu năm 2020, khi Quốc hội khoá XIV họp kỳ thứ 10, đồng bào miền Trung điêu đứng vì bão lũ, tiếp đến COVID-19 khiến đời sống Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đã khó càng thêm khó. Trong bối cảnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 16.000 tỉ đồng vẫn chưa thể giải ngân được. Khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nội dung này thì chủ tịch Quốc hội đã khẳng định sự chậm trễ này không có vướng gì từ phía Quốc hội cả và do nguyên nhân chủ quan là chính.

 

Tổng hợp thảo luận tại tổ cũng cho thấy, nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh hưởng lớn đến các đối tượng được thụ hưởng chính sách, cũng như tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

 

Thực tế này cho thấy, nếu mọi quyết sách lớn từ Quốc hội được thực thi nghiêm túc thì chắc chắn tác động tiêu cực COVID-19 sẽ ít nhiều giảm bớt. Và cho dù chậm trễ nói trên không có vướng gì từ phía Quốc hội thì theo tôi, Quốc hội với chức năng giám sát tối cao cũng phải có đánh giá trách nhiệm đúng mức và biện pháp đủ mạnh để những đề án đang còn nằm trên giấy nhanh chóng đi vào cuộc sống.

 

Bên cạnh vấn đề nêu trên, tôi xin phát biểu ba vấn đề mà một đại biểu và cử tri ở địa phương cảm thấy vô cùng sốt ruột.

 

Thứ nhất, về phòng chống COVID-19. Báo cáo do Bộ Y tế gửi Quốc hội theo tôi là quá sơ sài, đặc biệt là phần thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, giống như báo cáo của riêng ngành y tế hơn là đánh giá việc thực hiện một nghị quyết chưa từng có tiền lệ của Quốc hội. Trong khi thực tế có quá nhiều vấn đề cần được xem xét thấu đáo, để có thể ứng phó linh hoạt, chủ động, hiệu quả hơn với dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Khi thảo luận tại tổ thì nhiều ý kiến đã nhận xét, nếu khâu dự báo được làm tốt hơn, thông tin công khai minh bạch hơn, hướng dẫn kịp thời hơn... thì sẽ có thể giảm thiểu bức xúc xã hội cũng như tác động tiêu cực đến đời sống của Nhân dân. 

 

Các ủy ban của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan (như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp...).

 

Vậy câu hỏi đặt ra là đến khi nào việc này được bắt đầu, nếu các cơ quan thuộc Chính phủ không chủ động thì Quốc hội cần làm gì để thúc đẩy quá trình này, tôi nghĩ cử tri rất muốn biết câu trả lời?

 

Thứ hai, về các giải pháp phục hồi kinh tế. Từ Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV đến nay, đặc biệt là trước thềm kỳ họp này, nhiều doanh nghiệp và đại biểu đều quan tâm đến gói kích thích kinh tế đủ mạnh nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn an ninh tài chính quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài chính có đề cập đến gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20.000 tỉ một năm và phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước.

 

Tôi cho rằng, chỉ có gói hỗ trợ lãi suất là khả thi vì doanh nghiệp đang đói vốn, nay được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ (giảm được 2 - 3% so với mức vay thương mại hiện hành 6 -10%) sẽ có động lực để khôi phục sản xuất kinh doanh.

 

Về phía các ngân hàng thương mại cũng cơ bản trong trạng thái dư dật vốn khả dụng và rất muốn tăng trưởng tín dung, vì lãi từ cho vay vẫn là nguồn thu lớn nhất, quan trọng nhất, cũng không loại trừ việc một số ngân hàng muốn tăng trưởng nhanh để chiếm lĩnh thị phần, đồng thời làm loãng nợ xấu đang gia tăng.

 

Nếu nhẩm tính sơ bộ thì sẽ có một lượng khách hàng đáng kể vay tới 1 triệu tỉ đồng với lãi suất 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng (ngân sách bù thêm cho 2%) thì mới dùng hết gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỉ này. Tất nhiên chưa tính những khoản vay kỳ hạn ngắn và còn quay vòng được, như thế doanh số cho vay và lượt khách hàng được vay vốn sẽ còn lớn hơn.

 

Thứ ba, điện gió là năng lượng sạch và thân thiện với môi trường, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, cả thế giới đang hướng đến rất khuyến khích để thu hút đầu tư, có chính sách bền vững và chia sẻ đối với nhà đầu tư. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp điện gió và các địa phương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép lùi thời hạn áp dụng giá Fit thêm 6 tháng đến 1 năm đối với các dự án đã thi công nhưng chậm tiến độ do COVID-19 và các khó khăn khác là có cơ sở, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm giải quyết sớm vấn đề này.

 

Đối với Quảng Trị, chúng tôi đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho khởi công dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1, công suất 1.500MW để làm tiền đề cho công ty năng lượng ENI  Việt Nam thuộc tập đoàn năng lượng ENI Italia đẩy nhanh tiến độ khai thác mỏ khí Kèn Bầu dự kiến đáp bờ giai đoạn 2026 - 2030, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.

 

Trong bối cảnh sức khoẻ của nền kinh tế đã bị bào mòn bởi đại dịch thì mọi giải pháp lúc này đều không thể cầu toàn, nhưng hơn lúc nào hết cần được tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi và được giám sát chặt chẽ để thực thi hiệu quả nhất. Tránh tình trạng chính sách ban hành kịp thời, nguồn lực đã bố trí nhưng đối tượng được thụ hưởng khó tiếp cận, hoặc mất quá nhiều thủ tục mới tiếp cận được, sẽ làm cho người dân và doanh nghiệp vốn đã mệt mỏi vì COVID - 19 lại càng thêm mỏi mệt vì thủ tục hành chính.

 

Tại kỳ họp thứ 1, khi tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi đã phát biểu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế vẫn là công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội. Và ngay từ Kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội có thể dùng 1 luật để sửa các quy định tại nhiều luật đang gây khó khăn cho công cuộc hồi phục kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, việc này lại đang được dự kiến sẽ tiến hành vào kỳ họp chuyên đề của Quốc hội. Muộn còn hơn không, tôi tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành lang pháp lý vững chắc hơn cho việc thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, không chỉ cho năm 2022, mà cả những năm tiếp theo.



Phương Thanh (tổng hợp) /QTO

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD