Tin tức

Ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 22/10/2019 - 08:50

Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị sinh sống ở 47 xã, thị trấn ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ và Vĩnh Linh với hơn 85.000 người. Những năm qua, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trồng sắn

Điển hình như ở Đakrông, bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, với nguồn kinh phí hơn 183 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trên 70 công trình hạ tầng, 48 dự án phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 5.480 người. Bên cạnh đó, huyện đã tranh thủ, lồng ghép nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án khác, hỗ trợ về vốn, giống, cấp đất sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sản xuất, chăn nuôi cũng như xây dựng các mô hình sinh kế bền vững. Do đó, nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 56,55% thì đến cuối năm 2018 giảm còn 40,06%, trong đó chỉ trong 2 năm, có 1.244 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ở huyện Vĩnh Linh, từ năm HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 14 về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỷ lệ nghèo cao ở các xã: Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê giai đoạn II 2016-2020.
 
Bê tông hóa giao thông ở A Dơi

Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà là 3 xã miền núi thuộc huyện Vĩnh Linh với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, điều kiện làm ăn ở đây còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm đa số. Chính vì vậy, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công thành viên cùng nhóm liên quan chịu trách nhiệm huy động nguồn lực kết hợp với nguồn ngân sách, hỗ trợ giúp 11 bản thuộc 3 xã nói trên. Những năm qua, bằng nhiều chủ trương, giải pháp cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên tình hình phát triển kinh tế xã hội của 3 xã có những chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng dân sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu và nhận thức của nhân dân được nâng lên đáng kể, nhất là trong sản xuất để nâng cao đời sống. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở 3 xã giảm vượt kế hoạch đặt ra. Cụ thể, so với năm 2017 xã Vĩnh Hà giảm 6,3%, xã Vĩnh Ô giảm 10,5 %, xã Vĩnh Khê giảm 5,2%.
 
Thanh niên Vĩnh Ô vay vốn phát triển kinh tế

Ông Võ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà nói với chúng tôi rằng: Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt từ khi huyện Vĩnh Linh thực hiện đề án giảm nghèo bền vững cho 3 xã miền núi, các phòng, ban của huyện đã về tận nơi giúp lãnh đạo xã lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ người dân cây, con giống, tập huấn kỹ thuật nên địa phương đã từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai, phát triển kinh tế. Cùng với việc gieo trồng lúa nước và một số loại hoa màu với tổng diện tích khoảng 40 ha, xã còn tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trồng rừng ở những nơi đất trống đồi núi trọc và bạc màu, còn lại vùng đất bằng phẳng trồng hồ tiêu và cao su. Gần đây, người dân còn mở mang cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao lưu, trao đổi, mua bán nông sản và hàng hóa. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 32 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện tại chỉ còn 18,19%. Đặc biệt, riêng đối với bản Bãi Hà, là bản có 100% người đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo 62,5%, đến năm 2018 giảm còn 41,7%.
 
Trạm biến áp ở Khu định canh định cưi sông Ngân

Có thể nói, trong những năm qua, để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng hộ có ý thức tự chủ vươn lên, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, đoàn kết, phát huy nội lực, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá thực tế, phân nhóm để có các chính sách ưu tiên phù hợp và tùy theo đặc điểm, tình hình của từng nơi, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình sinh kế bền vững. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 20,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,32%.
 
Ông Hà Sỹ Đồng, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo các cấp, các ngành khảo sát thực tế, đánh giá đúng và đầy đủ về tình hình kinh tế  xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó, ưu tiên nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, giảm tốc độ chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; ổn định chính trị  xã hội, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, nâng cao dân trí, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh vùng nội địa và biên giới; phấn đấu đến năm 2024 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay, giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2019.


Bá Thuần
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD