Tin tức

Lãng phí các công trình nước sinh hoạt ở miền núi

Thứ tư, 13/11/2019 - 11:06

Trên địa bàn các xã miền núi huyện Hướng Hóa và Đakrông, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt vẫn diễn ra phổ biến. Người dân phải sử dụng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, các công trình hệ thống nước sạch được xây dựng lại không mang đến hiệu quả gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Thôn tái định cư La Tó vừa mới xây dựng nhưng hệ thống nước phục vụ sinh hoạt không hoạt động được

Dòng sông Đakrông chảy qua 11 xã, thị trấn của huyện Đakrông, và hầu hết người dân sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt. Thế nhưng trong vài nằm trở lại đây sông Đakrông chịu sự tác động tiêu cực của thiên nhiên và con người. Mùa hè, dòng sông này cạn khô đáy vì nhiều đập thủy điện ngăn dòng tích nước. Mùa mưa nước đục ngàu, gây xói lở, thêm vào đó là nạn khai thác vàng từ phía thượng nguồn thuộc xã Hồng Thủy huyện A Lưới làm nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân sống dọc theo con sông gặp vô vàn khó khăn khi nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ dòng sông này bị ảnh hưởng.
 
Bể chứa nước nhanh chóng hư hỏng, van, ống bị bẻ gãy

Thôn La Tó xã Húc Nghì, huyện Đakrông, một trong những nơi mà người dân  gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Đây là thôn tái đinh cư mới vừa được UBND huyện Đakrông xây dựng với mục đích định canh định cư cho đồng bào dân tộc ít người về sống tập trung, ổn định làm ăn. Tuy nhiên, về bản mới sinh sống người dân đã gặp khó khăn vì không có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo. Hệ thống các bể chứa nước chỉ được xây dựng rồi bỏ hoang, các ống nước, vòi nước vị bẻ, phá hư hỏng.  Trong khi đó,  con suối chảy qua khu tái định cư bây giờ không dám sử dụng vì hiện tại công trình thủy điện La Tó phía đầu nguồn đang thi công, nước đậm mùi xi măng, đục ngầu. Nếu tắm hoặc sử dụng thì bị ngứa và không đảm bảo an toàn”. Ông  Hồ Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND Xã Húc Nghì huyện Đakrông cho biết.
 
Bể chứa bỏ hoang phế là thực trạng phổ biến tại một số địa phương của huyện Đakrông

Vừa chuyển về ở nơi ở mới, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, khó khăn càng thêm khó khăn đối với những hộ dân tại thôn tái định cư La Tó. Hiện tai, việc ăn uống, tắm rửa đều phải dẫn nước từ trên núi cao về, tuy nhiên do tự bỏ ra chi phí nên hệ thống ống nước tự chảy cũng không bền và hư hỏng khi có mưa lũ, sạt lở đất.

Không chỉ thôn La Tó, rất nhiều bản làng sống dọc sông Đakrông đều có các công trình nước sinh hoạt xây dựng rồi bỏ hoang phế và không thể đưa vào sử dụng. Tại xã A Bung, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cũng diễn ra kéo dài. Người dân thôn La Hót phải đi xách nước dưới suối lên sử dụng hoặc phải sang tận bản khác thuộc xã A Ngo để lấy nước. Hệ thống nước tự chảy và ống dẫn nước của thôn La Hót bị hư hỏng từ nhiều năm nay nhưng không được đầu tư sửa chữa. “Hư hỏng thế này thì người người dân trong thôn không có nguồn nước đảm bảo, mấy năm nay rồi, hư hỏng nhưng không có kinh phí để sửa chữa”, ông Hồ Xuân Thắm, trưởng thôn La Hót xã A Bung nói.

 
Người dân đi xách nước dưới suối để sử dụng

Từ các nguồn vốn giảm nghèo, nhiều năm qua các công trình hệ thống nước sạch được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Đakrông. Tuy nhiên, có rất nhiều công trình không phát huy được hiệu quả, năm ở những vị trí xã khu dân cư và thiết kế không phù hợp với địa hình. Theo thống kê của các ngành chức năng huyện Đakrông, trên địa bàn huyện hiện có trên 70 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có 33 công trình cấp nước sinh hoạt sử dụng kém hiệu quả; 22 công trình cấp nước sinh hoạt không sử dụng được.

Không khó bắt gặp những hình ảnh giặt giũ và tắm cũng trên một vũng nước nhỏ của con suối cạn. Đây không phải là thói quen sinh hoạt mà vì nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo cho người dân sử dụng. Người dân phải quay trở lại dùng nước khe, suối bị nhiễm bẩn. Sống trong cảnh ở bên công trình nước sạch nhưng lại thiếu nước sạch là điều phổ biến ở nhiều bàn làng dọc theo con sông Đakrông.

 
Tắm và giặt trên một con suối cạn

Tại buổi khảo sát của Ban Dân tộc - HĐND tỉnh về tình hình nước sinh hoạt trên địa bàn các xã Tà Rụt và A Bung, huyện Đakrông vào tháng 4 năm 2019, lãnh đạo các xã Tà Rụt và A Bung có chung kiến nghị với HĐND tỉnh là cần xem xét bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng hằng năm đối với các công trình cấp nước tập trung để nâng cao hiệu lực sử dụng công trình và đảm bảo nguồn nước. Ông Hồ Văn Pườm, Chủ tịch UBND xã A Bung huyện Đakrông cho biết: sắp đến địa phương này sáp nhập thêm 2 thôn từ xã Hồng Thủy huyện A Lưới cũng chưa có hệ thống nước phục vụ sinh hoạt, thêm nữa là nước sông bị ô nhiễm do tình trạng khai thác vàng trái phép phía đầu nguồn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế khiến cho bà con nhân dân càng gặp khó khăn về nguồn nước.
 
Công trình nước tự chảy thôn la hót bị hư hỏng nhiều năm chưa sửa chữa được

Để có nguồn nước phụ vụ sinh hoat, người dân phải đi vay mượn, bỏ tiền mua ống nước dẫn nước từ trên núi cao, tuy nhiên không phải bản làng nào cũng có địa hình phù hợp để dẫn nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt công trình cấp nước trên địa bàn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả là do công tác quản lý sau đầu tư còn nhiều thiếu sót. Sau khi công trình hoàn thành và bàn giao, các chủ đầu tư không thành lập ban quản lý công trình và không tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình cho cán bộ chính quyền địa phương và người dân...

 

Nhiều bể chứa bỏ hoang phế là thực trạng phổ biến tại một số địa phương của huyện Đakrông

Phần lớn các công trình sau khi hoàn thành, lãnh đạo chính quyền địa phương đứng ra tiếp nhận, rồi giao các trưởng thôn tự quản lý, vận hành; không có cán bộ chuyên môn đảm nhận việc duy tu, bảo dưỡng. Thực tế này khiến cho công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công chưa tính đến việc giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu cho nên một số công trình ngày càng thiếu nguồn nước. Thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn đã làm hư hỏng, cuốn trôi nhiều hạng mục công trình nước sạch.
 
Việc khai thác cát sạn trên sông Đakrông ảnh hưởng đến nguồn nước 

Trong lúc chờ đợi, hi vọng vào trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng , người dân ở nhiều bản làng của huyện Đakrông vẫn phải đối mặt với tinh trạng thiếu nước sinh hoạt, vẫn phải từng ngày xuống suối lấy nước không đảm bảo vệ sinh để sử dụng.


                                                                                                                      Trần Tú 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD