Tin tức

Đột phá trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và dược liệu trên đỉnh Sa Mù

Thứ hai, 02/12/2019 - 09:29

Dự án xây dựng Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hóa nhằm nghiên cứu, khảo nghiệm các đối tượng cây trồng, con nuôi mới phù hợp với đặc điểm của tiểu vùng khí hậu mang tính chất đặc thù, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao hướng tới mở rộng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân. Dựa trên những điều kiện đặc thù phù hợp của đèo Sa Mù, Dự án đã xây dựng một Trung tâm nghiên cứu tại đèo Sa Mù và một cơ sở nghiên cứu, thực nghiệm ở thôn Hướng Phú, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, Trạm nghiên cứu này đã đạt được những kết quả mang tính đột phá, mở ra hướng phát triển về lâu dài cho vùng đất này.



Với độ cao trên 1.000 m, quanh năm sương phủ, khu vực Bắc Hướng Hóa có nhiệt độ mát mẻ, đất đai và thổ nhưỡng đặc biệt, khí hậu đặc thù được ví là “tiểu Đà Lạt”. Điều kiện tại đây phù hợp để hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến sản phẩm chất lượng cao, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.  Để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa được từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống nhà xưởng phục vụ sản xuất gồm: hệ thống nhà kính với đầy đủ các trang thiết bị; hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt; hệ thống cảm biến tự động; hệ thống làm mát, giữ nhiệt; hệ thống Camera theo dõi; hệ thống điều hành, vận hành từ xa qua Internet. Bên cạnh từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống nhà xưởng, đội ngũ cán bộ nghiên cứu tích cực học tập kinh nghiệm sản xuất ở trong nước và thế giới, đặc biệt là công nghệ sản xuất các sản phẩm ôn đới và tiếp nhận các quy trình công nghệ được chuyển giao.

  Theo ông Nguyễn Trường Học, cán bộ phụ trách kỹ thuật tại Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa, các mô hình sản xuất thử nghiệm tập trung vào các loại hoa cao cấp, có giá trị cao như: hoa tulip, hoa lily, hoa lan hồ điệp. Tất cả đều được ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc trong hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện đại, theo hướng tự động hóa. Đặc biệt, mô hình sản xuất hoa lan Hồ Điệp được trồng trong nhà kính ứng dụng công nghệ hiện đại, khép kín, hệ thống giám sát và điều khiển từ xa các thông số bên trong nhà kính giúp chủ động hoàn toàn trong khâu chăm sóc hoa.
 

 
Ông Nguyễn Trường Học, cán bộ phụ trách kỹ thuật điều khiển hệ thống chăm sóc hoa tự động bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0

 Với sự đặc biệt về vị trí địa lý cũng như điều kiện khí hậu cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, không chỉ các loại hoa cao cấp thích nghi và phát triển tốt ở khu vực Bắc Hướng Hóa mà nơi đây còn là địa điểm lý tưởng để xây dựng mô hình sản xuất 1 số loại dược liệu quý, có giá trị cao như: Đông trùng hạ thảo, lan Kim Tuyến và trồng thử nghiệm thành công nhiều mô hình rau quả cao cấp như cây dâu tây, cà chua siêu ngọt. Bà  Hà Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm Nhiệm vụ sản xuất thử nghiệm cà chua siêu ngọt cho biết: Sau khi thử nghiệm tại Sa Mù cho thấy, cây cà chua siêu ngọt không chỉ thích ứng với điều kiện khí hậu tại đây mà còn cho kết quả rất tốt, mở ra hướng phát triển rộng rãi cho loại cây này ở Sa Mù.
 
 Các kỹ sư kiểm tra mô hình cà chua siêu ngọt trồng thử nghiệm Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hóa.
 
 Nhằm tiếp tục nghiên cứu mở rộng các loại cây trồng, dược liệu quý phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của khu vực Bắc Hướng Hóa, từ đó nhân rộng để người dân nơi đây cải thiện cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tạo điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch, Trạm hiện đang tiếp tục khảo nghiệm các loại dược liệu, hoa, cây cảnh: sâm Ngọc Linh, thất diệp nhất chi hoa, hoa đồng tiền lùn, hoa cẩm tú cầu, hoa hồng môn, hoa chuông. Ngoài ra, cơ sở nuôi cấy mô và hệ thống nhà huấn luyện cây được đầu tư xây dựng, sẵn sàng để sản xuất cây giống phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.Sau khi thu hoạch sản phẩm thử nghiệm các loại hoa, quả, dược liệu tại Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa, qua việc giới thiệu sản phẩm đối với một số bộ phận khách hàng, bước đầu được thị trường trong tỉnh nhiệt tình đón nhận, điều đó cho thấy chất lượng sản phẩm nông nghiệp, dược liệu được sản xuất thử nghiệm phù hợp thị hiếu của người dân.

  Với những kết quả bước đầu đã đạt được, có thể khẳng định Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa đã đạt được mục tiêu trở thành mô hình trọng điểm trong ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Quảng Trị, tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Đây là những kết quả quan trọng để góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả hơn ở Bắc Hướng Hóa sau khi nghiên cứu, thử nghiệm. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư. Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Trị cho biết: “ Trong những năm tới, Sở KH&CN Quảng Trị sẽ  nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm thành công tại Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa. Cùng với đó, Sở KH&CN Quảng Trị sẽ cùng với chính quyền địa phương vận động, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sa Mù”.
 
                                                                             

                                                                                                                                           Lâm Hạnh
 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD