Tin tức

Một nhà văn Quảng Trị tài năng và tâm huyết

Thứ năm, 13/02/2020 - 09:08

Nhà văn Lê Tri Kỷ (1924-1993) tên thật là Nguyễn Duy Hinh, sinh ngày 14/6/1924 tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất ngày 8/5/1993 tại Hà Nội.

Chân dung nhà văn Lê Tri Kỷ 

Sau Cách mang Tháng Tám ông tham gia Thanh niên cứu quốc, năm 1946 làm Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Gio Linh, sau được điều sang Công an làm Chánh văn phòng Công an tỉnh Quảng Trị. Cuối năm 1949 ra Việt Bắc làm phái viên kiểm tra của Nha Công an Trung ương, cuối năm 1951 là Phó trưởng Ty Công an tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1952 về Bộ Công an làm cán bộ nghiên cứu, sau ra lại Bộ Công an làm Phó trưởng Phòng Nội gián, rồi hoạt động tuyên truyền, tiếp đó giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân ( CAND) cho đến lúc nghỉ hưu, quân hàm Đại tá Công an.
 
Một số tác phẩm chính của ông như: Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu (ký sự, 1960), Phố vắng (tập truyện ký, 1961), Một người không nổi tiếng (Truyện ký, 1970), Biến động ngày Hè (kịch bản sân khấu, 1976), Những tiếng nói thầm (truyện ký, 1978), Câu lạc bộ chính khách (tiểu thuyết, 2 tập, 1986), Không thiện không ác (tập truyện, 1988), Truyện ngắn Lê Tri Kỷ (tuyển tập, 1995).
 
 Dẫu chưa hề gặp mặt một lần nhưng trong cuộc đời mình cho đến lúc này nhà văn Lê Tri Kỷ, một người con của quê hương Quảng Trị vẫn để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc với nhiều kỷ niệm khó quên. Một nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang với nhiều tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật dài lâu.
 
Tôi đọc Lê Tri Kỷ lúc khoảng 10 tuổi sau ngày nước nhà thống nhất không lâu, đó là kịch bản sân khấu “Biến động ngày Hè” do NXB VHGP ấn hành năm 1976 viết về vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công một thời gian ngắn. Sau này lớn lên tôi biết nguyên mẫu cho nhân vật Công an trong vở kịch chính là nhà cách mạng Nguyễn Tạo. Về sau tôi còn biết ông từng ở nhiều nhà tù khét tiếng thời Pháp thuộc, trong đó có nhà tù Lao Bảo và là chuyên gia vượt ngục, một con người mà hành trạng như huyền thoại. Nguyên mẫu này còn xuất hiện đậm nét qua nhân vật chỉ huy điệp báo trung ương Trần Châu Phong (cũng giống với công tác ngoài đời của Nguyễn Tạo là Trưởng ty điệp báo trung ương trong thời kỳ này) trong cuốn tiểu thuyết tình báo hai tập mang tên “Câu lạc bộ chính khách” (NXB CAND năm 1986).
 
Theo tôi đây là đình cao trong văn nghiệp Lê Tri Kỷ và cũng là một hình mẫu của thể loại trinh thám chính trị ở nước ta mà bạn đọc thường gọi nôm na là truyện tình báo, phản gián...dưới tên nhân vật Trưởng ty điệp báo trung ương Trần Châu Phong, tác giả kịch bản và đạo diễn  một điệp vụ táo bạo trong kháng chiến chống Pháp. Nếu ai quan tâm đến thể loại truyện trinh thám chính trị sẽ thấy điệp vụ này tương tự như một điệp vụ ở nước Nga Xô- Viết sau Cách mạng Tháng Mười khi giăng lưới dụ tướng Bạch vệ Xa- vin- cốp từ nước ngoài trở về và tóm gọn. Điệp vụ công phu này được tái hiện khá sinh động trong cuốn tiểu thuyết cũng hai tập nhan đề “Trừng phạt” của văn học Xô Viết mà tôi đã đọc vào thời bao cấp. Một điều thú vị là nhân vật Nguyễn Tạo không hề hay biết điệp vụ nói trên của Liên Xô nhưng ông vẫn đủ mưu trí  và táo bạo nghĩ ra diệu kế lừa đối phương một cách ngoạn mục. Phải chăng những tài năng dù cách xa vẫn có cách nghĩ tương đồng? Còn nhà văn Lê Tri Kỷ cho biết khi viết tác phẩm này ông đã mất nhiều năm thu thập tài liệu, gặp gỡ nguyên mẫu, nhân chứng nhiều lần và công phu trong lao động nhà văn. Kết quả thì như chúng ta đã thấy “Câu lạc bộ chính khách” đã được người đọc hoan hỉ đón nhận và được các nhà văn, đạo diễn đánh giá cao. Một yếu tố có tính quyết định thành công của tiểu thuyết này cũng như nhiều tác phẩm khác của Lê Tri Kỷ được nhiều người đồng thuận, đó là sự am hiểu về ngành công an, điệp báo, khả năng phân tích tâm lý tinh tế và thấu đáo, cách đặt ra những tình huống ngặt nghèo để nhân vật đứng trước những thử thách cũng như lựa chọn và trên hết là trái tim nhân hậu chứa chan tình yêu con người, sự lao động cẩn trọng đã làm nên “thương hiệu” Lê Tri Kỷ. Viết về đề tài hình sự, vụ án, tình báo nhưng tác giả không hề sa vào những chuyện ly kỳ, những pha giật gân câu khách, những vẽ vời quá đà... mà trái lại rất chừng mực, lại đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, khắc họa sinh động diễn biến tâm lý vốn dĩ phức tạp, quan tâm thật sự đến số phận con người với đủ cung bậc hỷ, nộ, ái, ố...kể cả đó là nhân vật công an vốn dễ hiện ra với chân dung đạo mạo, nghiêm khắc và dễ khô cứng, nhạt nhạt nhòa nếu dễ dãi hoặc non tay hay theo lối mòn sáng tác. Tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách” thu hút sự quan tâm của dư luận còn bởi đoạn kết câu chuyện gắn liền với chiến công điệp báo diễn ra trong kháng chiến chống Pháp: đánh chìm thông báo hạm Amyot d’Inville, chiến hạm lớn nhất của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
 

 Nửa thế kỷ sau sự kiện này, khi đọc truyện của Lê Tri Kỷ, vẫn có người còn quan tâm và nghi vấn chiến hạm này chỉ bị thương chứ không phải bị đánh chìm, nó về cảng Hải Phòng được sửa chữa rổi về lại nước Pháp. Ý kiến này được đưa lên mạng xã hội. Năm 2013 khi tôi viết ký sự 3 kỳ đăng báo Tuổi Trẻ về nhân vật Nguyễn Tạo mang tên : “Thành hoàng cộng sản” cũng đã tìm hiểu chi tiết này, tuy nó không trực tiếp liên quan đến  nội dung bài viết. Một đại tá Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN đã nói rằng : chính ông Giám đốc một công ty trục vớt tàu biển khi chỉ huy người lặn xuống biển Sầm Sơn tìm lại tung tích con tàu đã sờ đúng cái chân vịt của chiến hạm này, nên quả quyết với ông, chiếc tàu không về cảng Hải Phòng, càng không thể về lại nước Pháp như có người đã nghi vấn mà vĩnh viễn nằm trong vùng biển Việt Nam.
 
Ngay trong mấy trang mở đầu sách trước khi vào truyện đã cho thấy một Lê Tri Kỷ rất nghiêm cẩn và am tường tâm lý con người cũng như sáng tác trong văn chương khi nói về  các sự kiện được tái hiện trong cuốn tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách”:
“Thế nhưng vẫn chưa có ai nói đến vụ Amyot d’Inville một cách đầy đủ và đứng đắn.
  
Những nhà viết tiểu thuyết trinh thám đã đành. Những cán bộ Công an lâu năm cũng ít ai biết trọn vẹn vì ngành Công an chưa lần nào công bố chi tiết.
 
 Lạ lùng hơn là ngay đến những người trong cuộc cũng mỗi người kể lại một cách. Vì nhiều lẽ: trình độ khá chênh lệch nhau, vị trí chiến đấu khác nhau, nguyên tắc hoạt động bí mật chỉ cho phép ai làm việc gì biết việc ấy. Chưa kề yếu tố thời gian, không gian và lòng người : chuyện kể đầu phố đã không còn nguyên vẹn khi nghe kể lại ở cuối phố”.
 
Người đọc nhớ nhân vật Trần Châu Phong (nguyên mẫu là Nguyễn Tạo) chỉ huy điệp báo là con người thông minh, mưu lược, quyền biến, luôn như kỳ thủ cao tay, đặt mình vào hoàn cảnh đối phương để dự báo tình hình diễn biến đi những nước cờ táo bạo, bất ngờ; tạo ra những tình huống giả định, nhập vai nhiều khả năng xảy ra mà ông thích gọi là “tập trận giả” để các điệp viên dưới quyền tập dượt trước khi nhận những nhiệm vụ đầy thử thách và nguy hiểm. Bên cạnh đó là Văn Hoàng (bí số A.13), Trưởng ty Công an Thanh Hóa đóng vai một người  yêu nước không cộng sản đang muốn “về thành” để nhử địch mắc bẩy, một người từng trải, dày dạn kinh nghiệm nhập vai chính khách quốc gia. Rồi Trúc Lâm người liên lạc của Văn Hoàng, một thanh niên thông minh, có học và năng động tuổi chỉ mới ngoài hai mươi nên kinh nghiệm sống chưa nhiều. Phía địch nổi bật với trùm mật thám Đuy-pra, một con người am hiểu văn hóa, tính cách Việt Nam, vừa có vẻ có già dặn lão luyện, lại vừa có vẻ chân tình, thành thực, thậm chí còn cả tin. Sau đây là một đoạn trong tiểu thuyết khi Trúc Lâm mới về Hà Nội tìm cơ hội hợp tác với Pháp để thành lập một chính phủ quốc gia theo kế hoạch điệp báo của ông Trần Châu Phong.
 
 “Đuy- pra cẩn thận dặn dò Thái và viên sĩ quan trực nhật chăm sóc nơi ăn chốn ở cho Trúc Lâm rồi ra về.
 
Ông có vẻ bận rộn theo công việc này nên vắng mặt suốt ngày. Chỉ có những buổi tối ông mới đánh xe đến trò chuyện hoặc mời Trúc Lâm đi chơi. Anh không từ chối. Phần vì tính ham vui của tuổi trẻ. Phần quan trọng là vì anh không nghe ông Châu Phong nhắc nhở gì, mặc dầu ông rất coi trọng những cái nhỏ nhặt trong thói quen và cá tính của người trinh sát. Anh cứ tự nhiên theo Đuy- pra đi chơi Hà Nội, lại còn nhờ lái đến những nơi anh thích. Anh cũng không kìm được sự thèm muốn đối với một số hàng hóa lạ mắt, và cả với đĩa gà quay nghĩ đến từ năm nào.
 
 Đuy-pra hết lòng chiều chuộng, bỏ tiền riêng ra mua nhiều hàng quí để tặng anh và gửi tặng cả ông Huỳnh Công và bạn bè thân thiết.
  
Những giờ phút thân tình ấy, câu chuyện của “ông Dư” lúc nào cũng nhẹ nhàng, thoải mái,thường tình như mây qua, gió thoảng.
 
 Ngày đầu mới là những chuyện thời thế, tình hình:
 
 -Ông thấy sinh hoạt ở Hà Nội như thế nào? Ngoài kia, có phải là Việt Minh đang tuyêntruyền rằng chúng tôi thiếu rau, thiếu gạo vì các đội “bao vây kinh tế địch” của các ông phải không?
 
 -Các đội “bao vây kinh tế địch” hoạt động không tồi, nhưng phải nhận rằng các ông có phương tiện tiếp tế tốt.
 
 -Ít ra, ông cũng khen chúng tôi được một điều ! Cảm ơn về sự thành thật của ông!
 
 Đuy- pra cười hồn nhiên và kể lại chuyện một anh lính Việt Minh tại mặt trận Quảng Trị...Chả là thiếu tá Đờ Coăng-tê bị Việt Minh bắt làm tù binh trong trận tấn công vào thị xã Đông Hà.Trong trại giam, Coăng-tê viết thư cho Bộ chỉ huy Pháp tại thị xã Quảng Trị để xin thức ăn và bông băng. Một anh lính Việt Minh (hẳn là người hết sức tin cậy) được ban chỉ huy trung đoàn 95 giao nhiệm vụ cầm thư về gặp người Pháp... Anh lính được tiếp đãi tử tế. Bữa ăn trưa người ta dọn cho anh một mâm thịnh soạn kèm theo cà  phê sữa, sô-cô-la. Người ta hỏi anh : “Trên chiến khu,ăn uống như thế nào?”. Anh ta nhìn mâm cơm, bĩu môi, bảo rằng trên chiến khu, anh ta chỉ quen dùng cà- phê sữa và sô-cô-la kèm theo bát sốt-vang vào bữa ăn sáng ! ...
 
-Thế đấy, ông Trúc Lâm ạ
 
Đuy- pra kết luận. Chúng tôi đã quen với những câu trả lời giả dối như vậy, cho nên vừa  
rồi không phải là tôi cảm ơn lời khen của ông, mà đúng ra là tôi cảm ơn sự thành thật của ông đối với chúng tôi!”

 
 
 
Chính sự săn sóc chu đáo khó lòng bóc tách thật-giả đã khiến một điệp viên kiên trung nhưng tuổi đời còn quá trẻ như Trúc Lâm có lúc hoang mang dao động muốn xin cấp trên cho ra ngoài vì sợ ở gần tay mật thám cáo già này sẽ có khi mình bị lung lạc thì thật không cam lòng lại còn hỏng đại sự. Cho hay mặt trận tình báo đầy những cam go, ẩn khuất khó lòng nói hết và nhà văn có tài phải  xây dựng tính cách nhân vật và diễn biến tâm lý sao cho phản ánh sự phức tạp của cuộc sống và con người, làm cho nhân vật “người” hơn và câu chuyện “đời” hơn như nó vốn có.
 
Quay trở lại bàn tính nhân văn sâu sắc và tinh tế trong văn chương Lê Tri Kỷ, có thể nói đây trọng tâm sáng nhất, và chính nó cũng làm nên thành công nổi bật trong văn nghiệp của ông. Chẳng hạn truyện ngắn “Bí mật cho những cuộc đời”  nói về một người từng làm công tác thuế vụ sau Cách mạng Tháng Tám. Anh ta nhanh nhẹn, tháo vát làm rất được việc, mỗi tội háo sắc. Chính vì vậy đã phạm kỷ luật vốn rất khắt khe vào thời ấy. May mà gặp được cán bộ công an từng trải và nhân hậu không xử nặng còn tạo điều kiện cho anh sang công tác  khác thích hợp hơn và cũng tránh xa cám dỗ khó vượt qua ở tuổi thanh niên. Và sau bao năm làm việc anh cán bộ thuế vụ ngày xưa đã luôn rèn luyện, phấn đấu trở thành một con người có ích, một cán bộ gương mẫu. Dụng nhân như dụng mộc, nếu chỉ cần khắt khe, dù là làm đúng nguyên tắc có khi làm hỏng cả một cuộc đời. Câu chuyện xưa chỉ có mấy người trong cuộc biết với nhau, sống để dạ, chết mang theo dù thực ra không phải nghiệm trọng được đặt tên cho truyện ngắn này và cả tập truyện.
 
Cùng với cách nhìn như vậy truyện ngắn  “Mụ Quới” lấy bối cảnh vùng quê Quảng Trị cũng sau Cách mạng Tháng Tám. Nhân vật vốn khá phổ biến ở làng quê thời thực dân phong kiến với những thói xấu như lười nhác, cắp vặt, đanh đá, chua ngoa khiến nhiều người ghét. Nhưng khi nước nhà độc lập, bà thấy cuộc sống cung quanh nhiều người giác ngộ, ý thức mình bây giờ là  người dân tự do, không nô lệ, hầu hạ ai cả, phải có lòng tự trọng, tự hào và cố sống tử tế. Và bà đã lột xác không ngờ trở nên một công dân mới, quá trình hoàn lương không đơn giản nhưng đầy hứa hẹn trong một bối cảnh rung trời chuyển đất. Mọi người không gọi bà là “Mụ  Quái” như trước nhưng cũng không thể gọi “Mụ Qúy” như tên khai sinh nghe chưa thuận tai nên gọi chệch đi là “Mụ Quới”. Một truyện ngắn hay và cảm động vì tác giả luôn nâng niu số phận con người, phát hiện ra những mầm thiện dù là nhỏ nhất để thắp sáng cuộc đời này. Chính lòng tin vào sự hướng thiện gần như bất diệt của con người mà nhà văn của chúng ta đã viết nên truyện ngắn”Giấy chứng nhận cho quỷ dữ” được cả giới văn bút trầm trồ.
 
Nhân vật Nguyễn Viết Lới phạm trọng tôi gián điệp trong kháng chiến bị tòa án Bình Trị Thiên kết án tử hình. Nhưng cán bộ công an Lê Huy bằng lòng trắc ẩn và vị tha đã xin cho giảm án. Lới cái tạo rất tốt, hơn hai mươi năm được ra tù. Lẽ ra câu chuyện sẽ chẳng cần bàn thêm nếu như Nguyễn Viết Lới không đến xin ông cán bộ công an cao cấp Lê Huy một giấy chứng nhận đã từng bị tù đày để chính phủ Pháp hoàn trả lương. Ông Lê Huy quá bối rối bèn đến nhà Lới để tìm sự thật. Người vợ ông ta đã nói những lời rất thấm thía : “
 
 "Bác cho rằng ông Lới nhà tôi vẫn là một tên gián điệp? Thế thì hai mươi ba năm cầm giữ ông ấy trong trại các bác làm được việc gì?... Bày ra các trò thể thao văn nghệ thi đua, khen thưởng để mà làm gì, nếu các bác bắt một tên gián điệp vào tù lúc hai mươi tuổi, khi ra tù hắn gần năm mươi hắn vẫn y nguyên là một tên gián điệp? Không, tôi không tin các bác xoàng như vậy, vì qua thực tế ông Lới nhà tôi, tôi hiểu các bác quả là những thợ rèn người kỳ tài, thế thì chỉ có điều là các bác không hiểu, không tin vào sự nghiệp đẹp đẽ của mình. Viên quặng ra khỏi lò thành thép là điều ai cũng thấy. Nhưng con người xấu ra khỏi lò thành người tốt không phải ai cũng chịu ngay vì nó còn bị bao nhiêu thứ lòng dạ hẹp hòi và đầu óc tối tăm của con người kéo lại"...
 
Có khi người bỏ công và tâm gieo nhân nhưng lại chưa dám tín vào kết quả. Nhưng đó cũng là một biểu hiện suy cho cùng cũng rất con người và hoàn toàn có thể thông cảm được. Và đó cũng là một bài học sâu xa trước khi muốn nhận xét về một con người, kể cả những người mà ta tưởng chừng quen thuộc như lòng bàn tay cũng vậy.
Trong truyện ký “Những tiếng nói thầm” nhà văn Lê Tri Kỷ lại cũng cho thấy khả năng phân tích tâm lý tinh tường khi khi tác giả tự phân tích chính mình. Đoạn văn sau cho thấy rõ nội tâm của một con người xa quê 25 năm, từ 1948 đến 1973, sau hiệp định Paris mới trở lại cố hương Quảng Trị, văn phong đẹp, tinh tế, giảu chất biểu cảm rất tiêu biểu cho Lê Tri Kỷ:
 
“Hai mươi lăm năm- Một sáng đầu xuân năm 1973, tôi trở về Quảng Trị.
25 năm !
 
Tại sao với một người chờ đợi quá lâu, thì lời nói đầu tiên khi hết chờ đợi thường là một lời về thời gian nhỉ?
 
Lẽ nào những nỗi đau xé ruột, những thương nhớ thắt tim, những mừng vui kinh ngạc đến điên người, tóm lại, cái mớ cảm xúc bộn bề, sôi sục bị đè nén lâu ngày đến như thế, khi vùng dậy, lại chỉ chứa đựng trong một ý niệm máy móc về con số ?
Cũng như mọi người, điều đầu tiên trong đầu tôi khi xe qua cầu Hiền Lương, là một ý nghĩ về thời gian xa cách. Nhưng mãi đến khi viết những dòng này, tôi mới biết rằng lúc đó mình chưa hiểu thế nào là hai mươi lăm năm.
 
“Thời gian không tính bằng năm, tháng”, ai đó nói ra câu ấy lần đầu tiên hẳn là người biết nếm từng giấy phút đời mình...”
 
Nhưng Lê Tri Kỷ không chỉ là nhà văn tài năng, đặc biệt trong lĩnh vực trinh thám, không chỉ là cây bút đặc sắc trong phân tích tâm lý thấm đẫm nhân văn, thấu đáo nhân tình mà còn là một “bà đỡ” mát tay cho nhiều nhà văn, nhất là khi ông lãnh đạo NXB CAND. Các nhà văn trong lực lượng CAND như Ngôn Vĩnh, Văn Phan... đều trưởng thành trong nghề nhờ sự chăm chút nghiêm khắc và tận tình của một đàn anh giàu kinh nghiệm. Trong một cuộc trò chuyện mới đây, sau mấy  tuần trà về văn chương kịch nghệ, bỗng nhiên  chính nhà văn Xuân Đức đã kể khi xuất bản cuốn tiểu thuyết “Người không mang họ”, tác giả ra Hà Nội thì đã được nhà văn Lê Tri Kỷ hoan hỉ chúc mừng người viết đã có đóng góp một tác phẩm đáng kể cho NXB CAND và bạn đọc.
 
Lê Tri Kỷ được nhiều bạn văn và đông đảo độc giả quý trọng ở cả hai phương diện : con người và nhà văn, một điều không phải nghệ sĩ nào cũng đạt được. Bởi vậy mặc dù nhà văn  đã đi xa hơn ¼ thế kỷ  nhưng những ai yêu mến văn chương đích thực dù chưa gặp tác giả một lần vẫn thấy mình như  tri kỷ với nhà văn Lê Tri Kỷ.
 


                                                                                                                       Xuân Dũng 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD