Tin tức

Duyên hải vẫy gọi...

Chủ nhật, 19/04/2020 - 08:27

Không kể hai cửa biển đã bị bồi lấp, trong đó có cửa Thần Phù từng nổi tiếng ở Ninh Bình một thời xa xưa ám ảnh: "Lênh đênh qua cửa Thần Phủ/Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm", cả thảy nước Việt có 56 cửa biển hiện tàu vẫn vào ra đều đặn. Nhưng duy có một cửa biển ở Quảng Trị lại có tên là Cửa Việt. Địa danh nhiều khi nó vận vào đất đai chứ chẳng phải chơi, nên lắm lúc bảo “thần khẩu buộc xác phàm” không phải không có lý. Không mê tín về chiếc vòng oan khiên của chiến chinh, ly biệt nhưng nếu nhìn từ cầu Hiền Lương từng là giới tuyến gần hai mươi năm, chỉ cách Cửa Việt chừng mươi cây số chim bay thì không khỏi giật mình nhớ cụ Nguyễn Du đã nghiệm sinh như thể bói Kiều : "Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi..."

 
Ngư dân Cửa Việt chuẩn bị ra khơi

Cũng là trữ tình ngoại đề cho vui. Nhưng đúng là Cửa Việt từ thời các Chúa Nguyễn đã sầm uất trên bến dưới thuyền. Sử cũ cho hay tàu thuyền các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan vào Cửa Việt buôn bán, nghĩa là ngoại thương đã diễn ra nơi đây khá náo nhiệt. "Thị"  là chợ theo nghĩa chữ Hán trong tổ hợp "Mai Xá Thị", ngôi làng bắc biển Cửa Việt, hợp lưu của ba con sông: Thạch Hãn, Cam Lộ và Cánh Hòm, đã phần nào nói lên điều đó. Theo số liệu sử học thì ngay từ thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thì kinh tế ngoại thương của biển xứ Đàng Trong đã hơn hẳn xứ Đàng Ngoài. Đó chính là nhờ viễn kiến trước biển của các bậc quân vương biết nhìn xa trông rộng.
 
 Ngày mới tái lập tỉnh Quảng Trị, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được phân công làm Tổng biên tập tạp chí văn nghệ địa phương, ông đã trưng cầu ý kiến để chọn tên khai sinh cho tờ báo. Ông Lê Bá Tạo, giám đốc ngân hàng nhà nước tỉnh, một người làm thơ và yêu thích văn chương, đã có sáng kiến: chọn tên Cửa Việt. Ông Tường và nhiều người ồ lên thống khoái như ông Ác-si-mét (Archimedes) Hy Lạp cổ đại phát kiến vật lý : ơ rê ka (tìm ra rồi). Từ đấy tạp chí văn nghệ Quảng Trị có tên là Cửa Việt, vô cùng ý nghĩa. Đương nhiên chiếc áo không làm nên ông thầy tu song y phục xứng kỳ đức là điều không ai phủ nhận. Địa danh, mà đây lại là tên gọi của biển  ảnh hưởng đến văn nghệ đến là thú vị. Nhà thơ Dương Tường sáng tác khá nhiều, nhưng hễ nhắc đến bài thơ tiêu biểu nhất thì phải là "Tiếng cây dương Mỹ Thủy" kể về vụ thảm sát của giặc Pháp vào năm 1947.  Nói sự lạ văn chương với biển lại nhớ tới Thu Bồn. Ông là nhà thơ Quảng Nam, nhân một lần đọc bản thành tích của anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm rồi về làng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng) có mấy ngày mà cho ra đời cuốn tiểu thuyết hai tập 700 trang "Dưới đám mây màu cánh vạc", một công việc thường là đòi hỏi thâm nhập thực tế có khi cả mấy năm trời mới có thể khai bút. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1975, sau đó còn tái bản hai lần nữa, lại còn được dịch giả Xô-Viết dịch sang sang tiếng Nga. Nhà phê bình văn học uy tín Vương Trí Nhàn đánh giá đây là cuốn tiểu thuyết khá thành công về chiến tranh cách mạng. Chưa kể thời gian trước, từ 1975 đến nay chưa có cuốn tiểu thuyết nào viết về vùng biển Quảng Trị mặc dù nhà văn ở đây cống hiến nhiều về những đề tài khác. Biển cả quê hương vẫn là món nợ dài lâu với nhiều văn nghệ sĩ. Nhưng cũng kỳ lạ thay, từ thưở xưa thời Nhà Nguyễn, chính cái làng chài Mỹ Thủy nay đã từng qua hai cuộc chiến khốc liệt lại rứt ruột đẻ ra điệu nhảy có cái tên độc nhất vô nhị lớn hơn mọi điều hy vọng trên đời cộng lại : "Thiên hạ thái bình". Một vũ điệu biển cả tượng trưng khát vọng muôn đời của ngư dân hay là sự tiên tri minh triết dân gian cũng không biết nữa.

 
 Vui chơi trên bãi biển Cửa Việt

 Lại nhớ những ngày tôi rong ruổi dọc biển Quảng Bình, ra tận làng Cảnh Dương nổi tiếng cách Đèo Ngang có mươi cây số. Đây là một trong "bát danh hương" đất Quảng Bình: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Ngọa Thổ, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại. Cảnh Dương là làng cá voi nổi tiếng của duyên hải miền Trung.  Đây còn là chiếc nôi đầu tiên cung cấp nhân lực cho "Đoàn tàu không số" nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ. Lúc trước tôi cứ ngỡ chọn Cảnh Dương là do gần đường vào miền Nam, rút ngắn khoảng cách đi lại trong vận tải vũ khí. Nhưng ra ở lại Cảnh Dương vài ngày mới hiểu thêm một điều hết sức quan trọng: giọng nói của người dân nơi đây gần với giọng Quảng Ngãi (giọng phía Nam, lại cách xa giới tuyến, ít bị nghi ngờ). Đó cũng là một lợi thế cần khai thác khi gặp tàu tuần tra của đối phương trên biển thì dễ bề ứng phó hơn. Học ngữ âm, phương ngữ trên lý thuyết nay mới biết có khi giọng địa phương được ưu tiên lựa chọn trong binh pháp hiện đại Việt Nam, đúng là chiến tranh nhân dân. Đêm ở lại làng biển Cảnh Dương, ông cựu đại úy Phạm Cảnh Hồng, trưởng ban liên lạc cựu chiến sĩ "Đoàn tàu không số" tỉnh Quảng Bình vừa rót rượu vừa kể chuyện chiến trường. Ông đúng là "sói biển", một thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm cùng đồng đội bao lần vào sinh ra tử. Tôi nhìn ông: một người cao niên nhưng vẫn tráng kiện, dáng vóc cao lớn, tướng mạo như dũng sĩ biển khơi, giọng nói sang sảng, khoái hoạt và dứt khoát. Nhìn lên tường thấy bức ảnh ông và đồng đội chụp chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch Trường Sa đầu tháng 5/1975. Rượu vào dăm chén, mắt ông nhìn xa xôi khi nhớ về những lính biển đã khuất, giọng ông chùng xuống. Ông nói với tôi mà như thể nói với chính mình, rằng nếu không có chiến tranh, ông là một ngư dân yên phận, chăm chỉ làm ăn và lẽ ra nên là như thế. Những người bình thường sinh ra có lẽ không ai muốn mình trở thành anh hùng chiến trận, bởi đó là một gánh nặng vinh quang phải đánh đổi quá nhiều máu xương và nước mắt. Tôi nhớ lại,  cổ nhân có nói : kẻ trí thích biển còn người nhân thích núi. Vì người có tài thích được vùng vẫy ở biển khơi sóng gió, còn người có đức lại thích chốn núi rừng tĩnh lặng. Vậy thì ngồi trước mặt tôi là người trí có nhân hay người nhân có trí. 
 
 Sáng ra miếu Linh Ngư tức thờ cá voi ở ngay trước biển. Mấy bộ xương cá voi khổng lồ đực trang trọng bày biện và phụng thờ cung kính.  Thấy mấy người phụ nữ đến khấn vái cầu an cho chồng con được tiên phật độ trì gặp trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền. Ngồi nói chuyện với ông thủ từ Nguyễn Văn Biểu lại biết thêm chuyện ông là người nhỏ tuổi nhất,  từng tham gia chuyến đi vận tải vũ khí có một không hai cho Quảng Trị năm 1968. Ông và bà con Cảnh Dương trước khi lên đường đã được tổ chức truy điệu sống, vào đến Vĩnh Linh họ lại được truy điệu sống lần nữa. Vậy mà nhiều người như ông đã vượt qua cửa tử sống đến tận bây giờ...Hình như cuộc đời luôn chứa đựng những điều có vẻ giản đơn mà kỳ diệu, kể cả những điều hệ trọng bậc nhất như chuyện tử sinh của mỗi đời người.
 
Lần đi biển xa hơn là ra đảo Phú Qúy (Bình Thuận) để chạm tay vào những truyền kỳ. Đây là huyện đảo, ba xã, chín làng, là hậu cứ gần nhất và lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Đảo không có thị trấn nhưng nhiều nơi dáng dấp thị tứ, có tên đường, số nhà hẳn hoi. Chẳng hạn tên đường lớn nhất là Bàn Tranh Công Chúa, người tiền khai khẩn hòn đảo ăm ắp huyền thoại. Giọng nói ở đây thì đúng là đặc biệt không giống nơi nào, đến nỗi nghe anh bạn đồng nghiệp ở đài truyền thanh huyện kể rằng khi đài tinh phát phóng sự truyền hình về đảo Phú Qúy phải có thêm...phụ đề vì sợ khán giả trong tỉnh nghe không hiểu. Tôi theo nhà báo thổ địa của đảo Đỗ Châu Thọ đến nhà kỳ nhân ở làng Phú Long, xã Long Hải. Thọ bảo ông này là kỳ nhân. Gặp rồi mới biết ông có nhiều tài lạ như thời buổi khoa học công nghệ mà ông còn tính hành trình, vị trí tàu đánh cá ngoài khơi xa tít tắp bằng...que tăm. Vậy mà không trật lần nào ! Vui chuyện, ông tâm sự nhiều. Tôi khoái nhất là chuyện ông dặn đi dặn lại con cái, mỗi chuyến ra khơi dù bận rộn việc vàn đến mấy cũng nhớ đem theo mấy bao đất của đảo ra làm quà tặng bộ đội Trường Sa để anh em có đất trồng rau. Ông bảo: " Ngoài chuyện cơm gạo, thực phẩm, thuốc men, cái mà đảo khan hiếm không bao giờ đủ, đó là đất. Mà đất dân đảo Phú Qúy mình đem ra cho bộ đội là đem cả tấm lòng dân biển. Mình sống chết với biển, làm được cá tôm, xây được nhà cửa khang trang, có của ăn của để là nhờ biển, mà nếu mấy anh  giữ biển không yên cuộc sống bà con mình liệu có ổn không ? Lo cho bộ đội cũng là một cách thiết thực lo cho chính bản thân mình".
 
Tôi nhìn anh bạn ngồi nghe gật gù  thích chí. Rồi anh vỗ đùi bảo tôi: " Anh nghe chưa, cứ đi theo biển..."
 
  Mỗi khi có dịp tôi lại lên đường đi theo biển. Và vẫn muốn đi suốt cả cuộc đời. Ở đó có bao điều luôn vẫy gọi...


                                                                                                                                       Xuân Dũng 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD