Ở các xã vùng núi miền Tây Quảng Trị nghề đan lát bằng mây, tre, nứa, lá của người Vân Kiều- Pa Cô đã có từ lâu đời. Từ nguyên liệu mây, tre trong rừng với đôi bàn tay khéo léo của mình, bà con Vân Kiều- Pa Cô nơi đây đã tạo nên những sản phẩm đan lát đặc sắc, tinh tế và bền chắc phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày như: Pa Diên Sang ( mâm mây đựng cơm) A Chói (gùi), A Yáng (gùi đeo nhỏ), Khau (đồ dùng bỏ cơm nếp), A Dữ (dụng cụ để đựng dao đi rừng hoặc dùng để đi xúc cá), Ta Ving (mẹt sàng sảy) A Diên (típ đựng cơm đi rừng)...Tất cả các sản phẩm trên được gọi là Krơng Aho. Krơng theo ngôn ngữ Bru- Vân Kiều có nghĩa là sản phẩm; còn Aho có nghĩa là tre. Krơng Aho có nghĩa là sản phẩm bằng tre.
Ở các xã miền núi dưới chân dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị xưa nay bà con dân tộc Vân Kiều nơi đây vẫn luôn sống an nhiên, tự tại và chan hòa cùng núi rừng, đất trời thiên nhiên. Sống ở núi rừng, từ ngôi nhà sàn để ở cho đến các đồ dùng hàng ngày của đồng bào Vân Kiều nguyên liệu sử dụng chủ yếu từ mây, tre, nứa, lá - Những lâm sản không phải gỗ được phép lấy ra từ rừng, một cách sử dụng thiên nhiên không cưỡng bức, một cách dọn bớt lớp thực bì dưới tán cây rừng nhưng vẫn bảo vệ được các khu rừng nguyên sinh. Không biết từ bao giờ, như mạch nước ngầm từ các dòng suối, nghề đan lát truyền thống với các sản phẩm từ mây, tre của bà con nơi đây vẫn âm thầm chảy trong cộng đồng bà con dân tộc Vân Kiều từ bao đời nay. Mỗi sản phẩm thủ công truyền thống từ mây, tre, nứa, lá đều ẩn chứa trong đó sự khéo léo, cần mẫn, chăm chút và có giá trị trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình.
Ông Hồ Văn Đăng ở thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, một người nổi tiếng đan lát giỏi trong cộng đồng người Vân Kiều là một trong số ít những người còn duy trì thường xuyên nghề đan lát này. Với ông Hồ Văn Đăng, đan lát là nghề truyền thống tốt đẹp của người Vân Kiều, giữ lại nghề này là giữ lại cội nguồn tổ tiên, giữ lại hồn cốt của người dân tộc Vân Kiều, là giữ lại mỹ tục và nét văn hóa truyền thống. Tuy chỉ mới ngoài tuổi 60 nhưng ông Đăng đã có gần 50 làm nghề đan lát, ông biết đan lát khi 12 tuổi. Với bản tính siêng năng và chịu khó học hỏi những “nghệ nhân” đan lát giỏi trong bản, sau một vài lần mày mò ông Hồ Văn Đăng đã có thể nắm vững các kỹ thuật đan lát và tự làm cho mình những vật dụng phục vụ cho đời sống hàng ngày.Vậy nên, suốt mấy chục năm qua, dù nghề đan lát không đủ nuôi sống gia đình; trong các bản làng số người làm nghề này cũng thưa dần nhưng ông Hồ Văn Đăng vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ, vẫn miệt mài đan lát để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Đôi mắt ánh lên vẻ tự hào về các sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra, ông Hồ Văn Đăng lần lượt giới thiệu cho chúng tôi về tên gọi, nguyên liệu và công dụng của từng sản phẩm mà ông trân trọng lưu giữ như: Pa Diên Sang là cái mâm dùng để dọn cơm ăn hàng ngày, bày mâm cổ trong các dịp lễ hội đặc biệt là được dùng để bày sính lễ trong ngày cưới của người dân tộc Vân Kiều- Paco được làm từ cây mây, A Chói là cái gùi dùng để đựng các vật dụng mỗi lần lên nương lên rẫy, A Yáng cũng là cái gùi kiểu như A chói nhưng nhỏ hơn dùng để đựng các vật nhỏ khi đi rừng, Ta Ving là cái mẹt dùng để sàng sảy thóc, gạo hay A Diên là cái típ dùng để đựng cơm mỗi lần đi rừng phải ở lại buổi trưa trên rẫy.
Nhận thấy giá trị của những vật dụng làm bằng tay từ mây và tre của đồng bào Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị hứa hẹn những điều thú vị khi đưa sản phẩm mây, tre này ra thị trường trong và ngoài nước, giữa năm 2018 Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã hỗ trợ đầu tư trang thiết bị như: máy tiện, máy bào đồng thời tổ chức tập huấn cho bà con Vân Kiều các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn huyện Hướng Hóa để làm ra các sản phẩm tre mỹ nghệ để phục vụ cho nội địa và xuất khẩu. Đây là giải pháp thiết thực, vừa giúp bà con tăng thu nhập, vừa đảm bảo sản phẩm sử dụng hàng ngày thân thiện với môi trường.
Từ những cánh rừng trên dãy Trường Sơn vùng núi cao Quảng Trị, những cây tre, lồ ô, luồng, len xanh… đã trở thành những đồ dùng quen thuộc hàng ngày trong gia đình, những món quà lưu niệm tinh xảo, xinh xắn nhờ vào bàn tay khéo léo của bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đó là những chiếc ống hút, hộp đựng bút, nĩa, thìa, cốc, nến, ly, hộp tăm … được thiết kế đẹp mắt, tinh tế và độc đáo. Tất cả đều làm từ mây, tre vừa thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo cho sức khỏe cho con người.
Tháng 11 năm 2021, tỉnh Quảng Trị trở thành đơn vị tiên phong của cả nước khi lần đầu tiên hơn 1500 ha rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý tại thôn Chênh Vênh và thôn Hồ thuộc huyện Hướng Hóa được cấp chứng nhận của Hội đồng quản trị rừng quốc tế- FSC về quản lý rừng bền vững. Với chứng nhận này, sản phẩm tre của cộng đồng nơi đây có cơ hội tham gia vào thị trường lâm sản ngoài gỗ giá trị cao hơn và được thị trường quốc tế đón nhận nhiều hơn.
Nhóm sản xuất Krơng Aho tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa
Nhìn những đôi tay chai sạn của bà con dân tộc Vân Kiều đang cần mẫn, nâng niu từng cây tre, lồ ô, luồng, len xanh, a ho, li a… để tiện làm ống hút, làm hộp, làm cốc, làm ly với gương mặt sạm nắng đã ánh lên nụ cười vui mới thấy được công việc mới mẻ này đem lại cho bà con niềm vui to lớn thế nào. Các sản phẩm bằng tre này không còn làm theo kiểu đan lát truyền thống nữa mà bà con Vân Kiều huyện Hướng Hóa đã chế tác sản phẩm tre mỹ nghệ theo công nghệ mới.
Tuy việc làm các sản phẩm mỹ nghệ từ tre khá công phu, đòi hỏi tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa đáp ứng được thiết kế, mẫu mã…buổi đầu khá khó khăn đối với bà con dân tộc người Vân Kiều nhưng làm nhiều rồi thành quen. Giờ chỉ cần chăm chỉ thì tháng nào cũng có thể kiếm ra tiền từ việc làm tre mỹ nghệ. Hướng làm ăn mới này giúp bà con tranh thủ thời gian đi nương, đi rẫy lên rừng chặt tre về sản xuất sản phẩm tre mỹ nghệ tạo ra phương kế đổi thay đời sống kinh tế. Đồng bào Vân Kiều nơi đây nhờ vậy mà có thêm một nghề để làm những lúc không lên nương, lên rẫy và cũng đồng thời tạo ra một sản phẩm mang dấu ấn văn hóa truyền thống của địa phương. Bà Hồ Thị Mói, Xã Hướng Việt, Hướng Hóa cho biết: Từ khi làm tre mỹ nghệ này bước đầu có thêm nguồn thu nhập bà con phấn khởi lắm, ưng cái bụng lắm. Tuy thu nhập chưa đều và chưa cao do dịch bệnh covid nên sản phẩm bán ra chưa nhiều nhưng với bà con vùng cao chúng tôi có thêm nguồn thu nhập ngoài làm nương làm rẫy nên đời sống kinh tế gia đình có đỡ hơn rồi.
Sản phẩm Krơng Aho đã đến với người tiêu dùng.
Hiện nay, Krơng Aho là thương hiệu với chuỗi các nhóm sản xuất trải dài khu vực Bắc Hướng Hóa với 4 xã Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập với trên 60 hộ đồng bào cùng tham gia sản xuất. Toàn bộ các nhóm đều sản xuất được các sản phẩm chủ lực, tuy nhiên mỗi nhóm có các thế mạnh khác nhau. Nhóm Chênh Vênh chuyên về ống hút, thì nhóm Mã Lai Pun, bản Cheng, Doa Cũ làm rất khéo ly tre, hộp tre, còn nhóm Raly Rào chuyên về cốc nến. Các nhóm sản xuất hỗ trợ lẫn nhau, nhóm nào kỹ thuật chắc, tay nghề cao thì chia sẽ lại cho các nhóm khác đi sau.
Từ cây tre tự nhiên của vùng núi cao huyện Hướng Hóa, bằng sự tỉ mỉ, sáng tạo, tinh tế và sự chịu khó của bà con dân tộc Vân Kiều sản phẩm làm ra đã thu hút được sự quan tâm của thị trường trong và ngoài nước. Để tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối các nhóm sản xuất, đồng thời tạo nên thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm trên thị trường thì các nhóm đã thống nhất tham gia HTX nông nghiệp Sơn Nguyên có trụ sở tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Ông Trần Văn Mão- GĐ HTX nông nghiệp Sơn Nguyên chia sẻ: chúng tôi thành lập tổ sản xuất và kinh doanh sản phẩm nhằm giúp cho bà con tìm đầu ra cho sản phẩm, định hướng cho sản xuất mặt hàng gì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khi chúng tôi đứng ra kết nối bà con lại với nhau thì tùy theo mùa, tùy theo năng khiếu của từng nhóm để chúng tôi đặt hàng cho bà con làm…
Sản xuất sản phẩm từ tre là một sáng kiến hướng đến vận động cộng đồng hạn chế sử dụng các vật dụng vô cơ dùng một lần sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, đồng thời tạo cơ hội phát triển sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều vùng cao tỉnh Quảng Trị. Các mẫu mã Krơng Aho của bà con dân tộc Vân Kiều đã bước đầu đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, sản phẩm của bà con làm ra đã lan tỏa đi xa ra khỏi dãy Trường Sơn và mang ước mơ bà con đi xa hơn. Ông Trần Văn Mão- GĐ HTX nông nghiệp Sơn Nguyên cho biết: Thời gian tới, chúng tôi giúp bà con đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng liên kết thị trường. Chúng tôi sẽ giúp bà con đưa sản phẩm về với phố thị nhất là các khách du lịch trong nước và nước ngoài; hướng tới thị trường các đô thị có đông khách du lịch…
Các sản phẩm Krơng Aho của bà con Vân Kiều huyện Hướng Hóa
Càng ngày, Krơng Aho càng khẳng định được vị thế của mình khi liên tục xuất hiện trong “Hội trại Sa Mù năm 2020”, “Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2021”, hội thảo “Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học” và các sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Hiện nay, trên địa bàn các xã vùng Tây Bắc hướng Hóa Khu du lịch thác Chênh Vênh đã đi vào hoạt động và Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh đang triển khai đầu tư giúp phát triển sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo đó, hoạt động tham quan và trải nghiệm sản xuất sản phẩm tre sẽ được tích hợp trong các tour du lịch cộng đồng; và các sản phẩm Krơng Aho cũng sẽ được bày bán tại quầy hàng nông sản ở các điểm du lịch trên địa bàn. Không những thế, Krơng Aho còn vươn ra với người tiêu dùng trên thế giới. Cuối năm 2018, một doanh nghiệp Hà Lan tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam là đơn vị bao tiêu những sản phẩm Krơng Aho của bà con dân tộc Vân Kiều để bán phục vụ khách nước ngoài đến tham quan du lịch tại Phố cổ Hội An
Hiện nay, song song với hoạt động sản xuất, các nhóm cũng chú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng thêm tre ở các khu vực đồi núi gần nhà. Ông Hoàng Minh Trí- Chi Cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: Mô hình từ làm sản phẩm tre truyền thống sang làm tre mỹ nghệ của bà con rất hiệu quả. Sản phẩm này vừa tận dụng nguyên liệu sẵn có ở các cánh rừng, sản phẩm làm ra lại thân thiện với môi trường. Sắp tới chúng tôi sẽ định hướng để các sản phẩm Krơng Aho là sản phẩm mang thương hiệu OCOP ở địa phương.
Từ những thân gỗ thô mộc, gần gũi với tự nhiên, đồng bào Vân Kiều – Pa Cô ở vùng cao Quảng Trị đã từng chế tác ra loại nhạc cụ truyền thống độc đáo, đó là chiếc đàn Ta Lư; Thứ nhạc cụ khiến nhạc sỹ Huy Thục mê hoặc và viết nên ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư” nỗi tiếng từng thôi thúc cả một thế hệ lên đường ra trận chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Giờ đây, cũng từ những cây tre, cây mây, len xanh, lồ ô… ở những cánh rừng dưới chân dãy Trường Sơn được bà con dân tộc Vân Kiều chế tác ra những vật dụng Krơng Aho rất độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa và cũng hấp dẫn bất cứ ai mỗi khi nhìn thấy. Krơng Aho của bà con dân tộc Vân Kiều bước đầu đã được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.
Ngày lại ngày, Krơng Aho các sản phẩm tre mỹ nghệ của bà con dân tộc Vân Kiều - Những người con mang họ Hồ của Bác ở miền Tây Quảng Trị lại xuôi về đồng bằng, về với phố thị, ra với các tỉnh thành bạn; rồi đây, thu nhập của bà con sẽ khấm khá và đều đặn hơn nhiều so với những vụ mùa lên nương, lên rẫy. Những sản phẩm từ cây tre sẽ từng bước góp phần thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc Vân Kiều ở những dãy núi xa xôi, hẻo lánh vùng biên ải dưới chân dãy Trường Sơn này./.
Lê Vĩnh Nhiên
![Facebook Page Image](/Upload/anhdaidien.jpg)
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
![Facebook Page Image](/Upload/anhdaidien.jpg)
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị