Nếu không có tác động từ thuế, phí và Quỹ Bình ổn, trong kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng trên 1.000 đồng/lít.
Tiếp tục kỳ điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 95, ngày mai (21/2), Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ có thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, tính đến ngày 17/2, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore tăng từ 7-8% so với trước thời điểm điều chỉnh giá gần nhất (ngày 11/2). Cụ thể, giá xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 trung bình ở mức 108,8 USD/thùng, chu kỳ trước là 101,8 USD/thùng. Giá xăng RON95 là 111,32 USD/thùng, kỳ trước là 104,13 USD/thùng. Giá các mặt hàng dầu trên thị trường Singapore cũng tăng cao trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, theo tính toán của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, hiện mỗi lít xăng bán ra đang bị lỗ tới 800 đồng. Căn cứ vào giá xăng dầu thế giới, đại diện một số DN nhận định, nếu không có tác động đến thuế, phí và Quỹ Bình ổn, trong kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh.
Mức tăng đối với các mặt hàng xăng có thể lên tới trên 1.000 đồng/lít; các mặt hàng dầu cũng không ngoại lệ, mức tăng ít nhất cũng phải vào khoảng 900 đồng/lít. Nếu theo đúng dự báo, đây sẽ là kỳ điều hành thứ 5 từ đầu năm 2022 và là kỳ thứ 4 giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh tăng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, nguồn xăng dầu nhập khẩu đang cập cảng nên khả năng cung ứng xăng dầu trong nước hoàn toàn được đảm bảo.
Tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/2/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Các Bộ và cơ quan liên quan cần đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra xử lý nghiêm không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật./.
Theo VOV.VN
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 12-18/2
- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam
- Dự báo thời tiết ngày 18/2: Hà Nội rét đậm từ đêm nay
- 1984-1989: Mặt trận Vị Xuyên được ví như "lò vôi thế kỷ"
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022

Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị

Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị