Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là dấu mốc lịch sử có giá trị trị lịch sử, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.



Dấu mốc lịch sử, thúc đẩy hợp tác và phát triển

Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được ký ngày 30/12/1999, chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2000. Để đạt được điều này, hai bên đã phải trải qua quá trình đàm phán trên 30 năm, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại do điều kiện tự nhiên, khoa học kỹ thuật, chính trị, pháp lý, tâm lý, tình cảm và cả những vấn đề lịch sử để lại.

Sau đó, Việt Nam và Trung Quốc thành lập 12 nhóm liên hợp, tiến hành phân giới cắm mốc theo phương pháp song phương. Bên cạnh đó, hai bên đã tiến hành 9 vòng đàm phán chính thức cấp Chính phủ, rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn, 39 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.

Đến ngày 31/12/2008, việc phân giới cắm mốc hoàn thành, hai bên đã phân giới trên thực địa. Ngày 18/11/2009, đại diện Chính phủ hai nước đã ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm: Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ba văn kiện này chính thức có hiệu lực từ 14/7/2010.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc dài 1.449,566 km và cắm 1.971 cột mốc (1.627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi, 111 cột mốc ba) được định vị bởi hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đảm bảo độ chính xác tới milimet theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đánh giá về ý nghĩa của Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc sau 25 năm ký kết, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ cho rằng: “Trong thực tế lịch sử, đây là lần đầu tiên Việt Nam – Trung Quốc xác lập được một đường biên giới trên đất liền rõ ràng, thông suốt từ Tây sang Đông, với hệ thống cột mốc hiện đại, chính quy. Việc giải quyết xong vấn đề biên giới đã tạo ra môi trường chính trị, pháp lý để hai bên có thể tiếp tục hợp tác với nhau trong việc thúc đẩy kinh tế, an ninh quốc phòng...”

Báo cáo tổng quan của “Hội nghị kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc” cũng nhấn mạnh rằng đường biên giới hòa bình, ổn định đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác, phát triển tại khu vực biên giới, hoạt động trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới phát triển mạnh mẽ. Công tác mở, nâng cấp, công nhận cửa khẩu/lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa đạt nhiều kết quả; xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông ở khu vực cửa khẩu được tăng cường.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá: “Nhìn chung tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cơ bản ổn định, hệ thống đường biên, mốc giới được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo; công tác mở, nâng cấp cửa khẩu, đầu nối giao thông... được hai bên quan tâm triển khai, giao lưu hữu nghị, hợp tác phát triển khu vực biên giới được chú trọng thúc đẩy. Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và các lực lượng chức năng hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý ổn thỏa các sự kiện này sinh”.

Những bài học kinh nghiệm quý báu

Việc đi đến ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng với quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước. TS Trần Công Trục cho rằng, kinh nghiệm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc mang lại nhiều bài học để vận dụng với các hướng biên giới khác, ví dụ tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia hay biên giới trên biển.

Từng trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ và là người đầu tiên ở Châu Á dịch Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc, TS Trần Công Trục cho rằng điều đầu tiên khi làm công tác biên giới là phải tỏ ra thiện chí và cầu thị.

“Có thể quan điểm do nhận thức và tài liệu của anh là như thế này, nhưng khi đàm phán thì không chứng minh được điều đó. Thế thì anh phải cầu thị, tiếp thu ý kiến của đối tác. Phải căn cứ vào thực tiễn để giải quyết đảm bảo tính công bằng, hợp pháp. Có những điều mà nếu chỉ căn cứ vào nhận thức cũ, từ đó đấu tranh thì không thể đi đến thắng lợi. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc phải bám chắc và tuân thủ những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được” – TS Trần Công Trục phân tích.

Trong quá trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, hai bên đã từng bước bám chắc vào các thỏa thuận đạt được để hình thành đường biên giới hòa bình, ổn định. Đầu tiên, hai bên đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, cơ sở pháp lý để triển khai quá trình cụ thể sau này. Sau đó, hai bên hợp tác để triển khai quá trình hoạch định biên giới. Tiếp đến, hai bên đã thành lập ủy ban liên hợp và hình thành hệ thống mốc giới chính quy, hiện đại. Sau khi có đường biên giới trên thực địa, hai bên đã tiến hành ký kết các văn bản để tiến hành khai thác chung các nguồn tài nguyên.

TS Trần Công Trục cũng nhấn mạnh phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong giải quyết vấn đề biên giới và quản lý biên giới đất liền với nước láng giềng. Trong thực tế lịch sử, quan hệ với các nước láng giềng cần sự khéo léo, mềm dẻo, nhưng cũng không kém phần kiên quyết.

“Đấu tranh không phải dựa vào lập trường cứng nhắc, theo khẩu hiệu, mà đấu tranh trên cơ sở khoa học, trên cơ sở khách quan pháp lý mà hai bên thỏa thuận với nhau. Đặc biệt là trong quan hệ biên giới, mỗi bên đều có ý kiến bảo vệ lập trường của mình. Tuy nhiên, những lập trường không đúng đắn thì chúng ta phải đấu tranh. Đấu tranh nghĩa là phải chỉ ra thiếu sót về pháp lý, cơ sở khoa học để thuyết phục nhau. Một bên không thể chỉ tôn trọng đối tác mà quên đi đấu tranh để tạo ra đường biên giới ổn định, lâu dài, vững chắc” - TS Trần Công Trục phân tích.


Theo VOV.VN

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập