Sáng 31/10, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự tại điểm cầu Trung ương có Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có đồng chí Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, đồng chí Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.090,7 MW công suất các dự án nguồn điện được hoà vào hệ thống điện quốc gia, vận hành thương mại; 22 dự án năng lượng có trong Quy hoạch phát triển điện lực, đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư. Ngoài ra, Quảng Trị cũng có các dự án nguồn điện tiềm năng như điện gió trên bờ, điện sinh khối, điện mặt trời, thuỷ điện nhỏ... Để giúp tỉnh Quảng Trị phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm, có văn bản đề xuất cho phép chấm dứt thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị do nhà đầu tư EGATi (Thái Lan) đầu tư theo hình thức BOT; Chuyển đổi Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị sang nhà máy nhiệt điện khí LNG nhập khẩu, đầu tư theo hình thức IPP. Đề nghị xem xét, bổ sung vào kế hoạch với công suất luỹ kế điện gió trên bờ cho Quảng Trị đến năm 2030 là 2.500 MW; Công suất luỹ kế của Thuỷ điện nhỏ cho tỉnh Quảng Trị là 307 MW; Đồng thời, bổ sung kế hoạch  đối với điện sinh khối, điện từ rác là 24 MW;...


Đồng chí Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại điểm cầu Quảng Trị
 
 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương cần đặt ra các tiêu chí công khai, ưu tiên năng lượng xanh gồm năng lượng điện mặt trời, năng lượng điện gió, năng lượng điện sinh khối và đề ra yếu tố môi trường phải đặt lên trên hết. Các dự án vào kế hoạch phải có lộ trình thực hiện rõ ràng, tính toán tính khả thi, đánh giá được khả năng rủi ro và phải có phương án thay thế. Do đó, cần rà soát, chắt lọc các dự án trong kế hoạch, dự án các địa phương đề xuất đáp ứng yêu cầu của quy hoạch. Bên cạnh đó, trọng tâm trong quy hoạch điện phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu, giảm tối đa khí phát thải, giảm sức đầu tư, nhất là đường dây truyền tải, trạm biến áp để có giá thành điện tốt nhất…
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các bộ, cơ quan và phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương để hoàn thiện kế hoạch.

Minh Châu - Quốc Nhật
Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập