Sáng 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển.
Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người Việt Nam, anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 xác định: “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội…”.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.
Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của Công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2020 và 2030. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.
Công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, so một số ngành khác thì ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo-Bản sắc-Độc đáo-Chuyên nghiệp-Cạnh tranh”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính sau:
Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua (nêu rõ số liệu minh chứng cụ thể); nguyên nhân, bài học kinh nghiệm là gì?
Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa? Thí dụ, Hàn Quốc là một thành công về phát triển công nghiệp văn hóa.
Khi phát triển công nghiệp văn hóa thì phải có quy hoạch, nguồn nguyên liệu cho phát triển, nguồn vốn của ngân hàng, huy động nguồn lực của xã hội…; cần có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá, trong đó: giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách? (về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư; việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số…).
Theo Thủ tướng, khi phát triển công nghiệp văn hóa thì phải có quy hoạch, nguồn nguyên liệu cho phát triển, nguồn vốn của ngân hàng, huy động nguồn lực của xã hội…; cần có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề.
Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào?
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng? Nhân lực là yếu tố quy định; cần xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, con người phải biết tạo ra sản phẩm phục vụ trong nước và ngoài nước.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị.
Có cần xây dựng một Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn hay không? Đồng thời, đề nghị các đại biểu cho ý kiến về đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về lĩnh vực này ngay sau Hội nghị. Theo Thủ tướng, đây là lĩnh vực mới, quan trọng, nhạy cảm, độ bao phủ lớn, nếu làm được thì tạo hiệu quả lớn; do đó, chúng ta phải quyết tâm làm.
Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam.
Về kết quả đạt được của các ngành công nghiệp văn hóa: giai đoạn 2018-2022, điện ảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm, nguồn lực lao động bình quân tăng 8,05%/năm, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bình quân tăng 8,39%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (50 triệu USD), đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược. Hành lang pháp lý trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng được hoàn thiện (Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022) đã giúp phim trong nước nhận được những ưu đãi, từ đó thu hút sự đầu tư của các đơn vị sản xuất.
Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80%-90% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa, do vậy, trong thời gian gần đây nhiều dự án phim đã tập trung khai thác chất liệu văn hóa và lịch sử Việt. Với sự tham gia của các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất phim quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều dự án phim Việt đã đáp ứng cả về tính chất chuyên môn lẫn thị hiếu của khán giả, tăng sức cạnh tranh của phim Việt và qua đó quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới..
Lĩnh vực du lịch văn hóa: tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng, đóng góp 8,39% vào GDP cả nước; năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của du lịch có sự sụt giảm đáng kể trong giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến năm 2022, du lịch từng bước phục hồi (từ ngày 15/3/2022), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Số lượng doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch tăng nhanh.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đây là yếu tố góp phần xây dựng các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc gắn với tìm hiểu văn hóa vùng miền (du lịch di sản văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng...)
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: hoạt động sáng tác nghệ thuật giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng (riêng giai đoạn 2021 có sụt giảm so với năm 2020 do tác động của dịch bệnh), giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm.
Cả nước hiện có 130 đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống và biểu diễn thực cảnh đang được khai thác hiệu quả để trở thành sản phẩm mũi nhọn phục vụ công chúng. Đây là những hoạt động cần tiếp tục đầu tư khuyến khích phát triển để tạo ra các giá trị nghệ thuật mới, các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao hơn, có sức cạnh tranh và phổ biến ra thị trường khu vực và quốc tế.
Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường âm nhạc, có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn, quy mô quốc tế…
Theo Nhandan.vn
- Quân đội nhân dân Việt Nam và sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
- Hợp tác Nghị viện đóng vai trò lớn trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ
- Việt Nam tích cực đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản
- Việt Nam và Pháp đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng lần thứ ba
- Góp phần làm sâu sắc quan hệ hai Đảng, hai đất nước Việt Nam - Lào

Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị

Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị