Thế giới cần chi hàng nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.
Chủ tịch Hội nghị COP28 Sultan Al Jaber phát biểu tại một hội nghị ở New York, Mỹ ngày 19/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là lời kêu gọi của Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber đưa ra ngày 20/2.
Ông Al Jaber ca ngợi những tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc năm ngoái tại Dubai, nơi các nước đã đồng ý tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập kỷ này và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn thiếu các chi tiết quan trọng, trong đó có vấn đề tài trợ, có thể đặt gánh nặng lên cuộc họp COP29 năm nay tại Azerbaijan. Theo Chủ tịch COP28, tài chính là động lực chính tạo ra sự thay đổi tích cực ở tốc độ và quy mô cần thiết. Các quốc gia trên thế giới “cần bắt đầu nghĩ đến việc chi hàng nghìn tỷ chứ không phải hàng tỷ” để giải quyết các thách thức còn tồn tại.
Giới phân tích cho rằng cần có tiến bộ về tài chính trong năm nay để giúp thúc đẩy mức độ tham vọng của các quốc gia trong các mục tiêu khí hậu quốc gia mới. Với những tác động tiêu cực khi nhiệt độ toàn cầu năm qua tăng cao ở mức kỷ lục, các chuyên gia cho rằng khoản tài trợ được thống nhất sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các chính phủ tăng cường mục tiêu khử carbon.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đang chịu áp lực khi phải điều chỉnh việc cho vay phù hợp với mục tiêu của thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các sáng kiến khác cũng đang được thảo luận, trong đó có việc ban hành mức thuế mới, đặc biệt đối với các ngành gây ô nhiễm, cũng như chuyển hướng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sang phát triển xanh.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ các nước tăng cường các mục tiêu cắt giảm khí thải, với các kế hoạch khử carbon tăng cường dự kiến vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025.
Theo TTXVN
- LHQ lo ngại nguồn tiền tài trợ không đáp ứng nhu cầu nhân đạo tăng cao
- LHQ lo ngại nguồn tiền tài trợ không đáp ứng nhu cầu nhân đạo tăng cao
- Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa nhân đạo nếu Rafah bị tấn công
- Đa số các nước EU kêu gọi tạm ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza
- Chìa khóa chuyển đổi của châu Á - Thái Bình Dương
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị