Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.


Chú thích ảnhPhó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. Ảnh: TTXVN
 

50 huyện và 1.243 xã sẽ được sắp xếp lại

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành Trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án sắp xếp của các địa phương.

Hiện các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo báo cáo về số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị (bao gồm: 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.

Đối với cấp xã, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (bao gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025. Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn khoảng 6 tháng. Trong khi đó, do việc sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.

"Đây là giai đoạn nước rút, trong khi số lượng đơn vị hành chính sắp xếp rất lớn, nhất là các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Phòng... Vì vậy, các địa phương nỗ lực để hoàn thành" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Do đó, thời gian tới phải tập trung một số công việc, giải pháp trọng tâm như: Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp; Rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính; rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;...

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với trường hợp địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Làm tốt công tác truyền thông, tạo đồng thuận

Chú thích ảnhPhó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ Nội vụ, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng triển khai và đã đạt những kết quả tích cực bước đầu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ trương sắp xếp cấp huyện, xã với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần khẩn trương, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ, rút ngắn thời gian góp ý, thẩm định các đề án. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến để Bộ Nội vụ hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2024. Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hiệu quả từ các thành viên Ban Chỉ đạo và của các địa phương; chủ động rà soát, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của các địa phương để phối hợp xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ.

Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể việc phân loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường dự kiến hình thành sau sắp xếp.

Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể chịu tác động, ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính; chuẩn bị phương án sắp xếp kỹ lưỡng, khoa học, linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo Baotintuc.vn

 

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập