Một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo về trường hợp trên nếu cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear bị kiện vì sử dụng số tiền đang nắm giữ của Nga để chuyển cho Ukraine.


Chú thích ảnhẢnh minh họa: AFP/TTXVN
 

Đài RT ngày 13/3 dẫn nguồn các hãng tin cho biết phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine hai năm trước.

Trong đó, Euroclear (trụ sở ở Brussels, Bỉ) nắm giữ khoảng 191 tỷ euro tài sản của Nga và EU đang có ý định gửi cho Ukraine đợt tiền đầu tiên có giá trị lên tới 3 tỷ euro vào tháng 7 tới. Đây là tiền lãi của số tài sản Nga bị phong tỏa.

Quan chức EU nói trên cảnh báo nếu phương Tây chiếm đoạt số tiền lãi của Nga, Ngân hàng Trung ương Nga có thể sẽ tịch thu khoảng 33 tỷ euro tiền của Euroclear trong kho lưu ký chứng khoán quốc gia ở Moskva. Nga cũng có thể kiện để tịch thu tiền của Euroclear từ các kho lưu ký ở Hong Kong (Trung Quốc) và Dubai (UAE).

Ngoài ra, quan chức EU này cũng cho rằng phương Tây sẽ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến ổn định tài chính. Ông nói: “Khi cuộc chiến kết thúc và có thể thực hiện các khoản thanh toán, toàn bộ số tiền tạm giữ lại cũng sẽ được chuyển sang Ukraine. Nhưng chúng ta cần giữ lại một lượng đáng kể ở Euroclear… vì Euroclear sẽ phải đối mặt với rất nhiều yêu cầu bồi thường”.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả tương xứng nếu phương Tây đe dọa tịch thu tài sản của Nga. Tháng trước, Bộ Tài chính Nga cho rằng bản thân các quốc gia và công ty phương Tây vẫn có tài sản ở Nga và số tài sản này có thể gặp nguy hiểm nếu họ sử dụng tiền lãi từ tài sản Nga bị đóng băng.

Nếu các ngân hàng phương Tây bắt đầu kiện Euroclear vì làm mất tiền đầu tư của họ ở Nga, thì điều này có thể khiến Euroclear “rỗng túi” hoàn toàn.

Ngân hàng Euroclear có tài sản trị giá hơn 37.000 tỷ euro trên toàn cầu, nhưng nếu Euroclear hết thanh khoản trong bối cảnh có nhiều vụ kiện tụng, ngân hàng này có thể buộc phải rút giấy phép, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, một số nước phương Tây vẫn không thống nhất được về việc dùng tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trợ cho Ukraine. Mỹ và Anh ủng hộ trực tiếp tịch thu tài sản Nga, còn một số quốc gia thành viên EU, như Pháp và Đức, gần đây đã cảnh báo rằng động thái này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định tài chính và làm xói mòn niềm tin vào vị thế đồng tiền dự trữ của đồng euro.

Khác biệt trên đã gây căng thẳng giữa Mỹ và một số nước châu Âu. Các quan chức Mỹ cũng đang gây áp lực với các nước châu Âu để họ ủng hộ động thái chuyển tiền của Nga cho Ukraine.

Hồi cuối năm 2023, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng hành vi này sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào hệ thống tài chính quốc tế và nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ bảo vệ các quyền của mình trước tòa án và thông qua các biện pháp khác.

Theo Baotintuc.vn

 
Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập