Hợp tác với công ty Hạt nhân Uranium Trung Quốc là một phần trong chương trình nghị sự rộng lớn hơn của Uzbekistan nhằm trở thành nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới.
Theo mạng tin Eurasianet.org, Navoiuran, nhà sản xuất uranium thuộc sở hữu nhà nước của Uzbekistan đang đàm phán với công ty Hạt nhân Uranium Trung Quốc, cũng do nhà nước điều hành, về khả năng hợp tác cùng nhau để phát triển và khai thác các mỏ uranium.
Navoiuran cho biết trong một tuyên bố mới đây rằng các mỏ uranium đang được thăm dò - Jantuar và Madanli - đều nằm ở khu vực Navoi của Uzbekistan. Navoiuran đã hoạt động từ năm 2022, khi được tách ra từ Nhà máy luyện kim và khai thác mỏ Navoi.
Việc hợp tác với công ty Hạt nhân Uranium Trung Quốc là một phần trong chương trình nghị sự rộng lớn hơn được thúc đẩy bởi Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, người đã ban hành nghị quyết vào tháng 7/2022 đặt mục tiêu sản xuất uranium của cả nước là 7.100 tấn vào năm 2030, tăng so với khoảng 3.500 tấn năm 2021.
Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ Uzbekistan đã tích cực kêu gọi các đối tác quốc tế. Vào tháng 11 năm ngoái, Văn phòng Tổng thống Uzbekistan thông báo rằng nước này đang tìm cách mở rộng quan hệ đối tác với Orano, công ty nhà nước của Pháp, công ty xử lý toàn bộ chu trình uranium từ khai thác đến sản xuất nhiên liệu. Công ty Pháp đã có mặt tại Uzbekistan từ năm 2019. Cùng năm đó, họ thành lập liên doanh mang tên Nurlikum Mining.
Văn phòng Tổng thống Uzbekistan nêu rõ trong tuyên bố vào thời điểm đó: “Chế biến chuyên sâu các nguyên liệu thô chiến lược và sản xuất các sản phẩm công nghiệp dựa trên công nghệ tiên tiến là một lĩnh vực hợp tác quan trọng”.
Thông báo đó được đưa ra trùng với chuyến thăm Uzbekistan của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trước chuyến thăm của ông Macron, các nhà phân tích năng lượng cho rằng Pháp có thể coi Uzbekistan, cũng như nước láng giềng Kazakhstan, là những nguồn thay thế uranium quan trọng mà nước này cần để duy trì hoạt động của ngành điện hạt nhân.
Bộ trưởng Địa chất và Khai thác mỏ Uzbekistan Bobir Islamov sau đó trong cùng tháng thông báo rằng Orano đã cam kết đầu tư tới 500 triệu USD vào việc khai thác uranium ở Uzbekistan. Uzbekistan hy vọng rằng Kazakhstan, hiện là nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới, cũng có thể giúp ích cho mục tiêu của mình.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, Aigul Kuspan, chủ tịch Ủy ban Quốc tế, Quốc phòng và An ninh tại Hạ viện Kazakhstan, cho biết Uzbekistan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cùng khai thác và xử lý uranium ở các khu vực dọc biên giới chung.
Chỉ vài ngày sau chuyến thăm của ông Macron, một biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực uranium đã được ký kết giữa công ty Hạt nhân Uranium Trung Quốc và Navoiuran bên lề Diễn đàn quốc tế lần đầu tiên về ngành công nghiệp uranium tự nhiên, được tổ chức tại Bắc Kinh.
Bên cạnh mong muốn củng cố vị thế của mình trong số các nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới, Uzbekistan cũng đang xem xét phương án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của riêng mình và do đó đang thăm dò các đối tác tiềm năng, bao gồm các công ty ở Pháp và Nga.
Theo Baotintuc.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị