Sáng 5/4, đoàn giám sát Ban VHXH-HĐND tỉnh do đồng chí Hồ Thị Thu Hằng- UVBTVTU, Chủ nhiệm UBKTTU, Trưởng ban VHXH-HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về Đầu tư, bảo tồn, phát huy hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn huyện Cam Lộ.


Huyện Cam Lộ đang quản lý 32 di tích. Theo kế hoạch từ năm 2022 – 2023 sẽ thực hiện 12 hồ sơ khoa học pháp lý, thực hiện trùng tu, tôn tạo 03 di tích. Tuy nhiên, năm 2023 chỉ thực hiện được 05 hồ sơ khoa học và tiến hành hoàn thành 2 hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền để tu bổ, tôn tạo 02 di tích (Đình làng – chợ phiên Cam Lộ, Mộ cụ Khóa Bảo) nhưng chưa triển khai được do chưa được bố trí kinh phí. 01 hồ sơ của di tích Vụ thảm sát Cùa năm 1947 – xã Cam Chính gạp khó khăn trong bố trí chuyển đổi đất của di tích, 3 di tích được đề nghị đưa ra khỏi danh mục xếp hạng. Theo đánh giá của huyện, ngoài 02 di tích cấp Quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh được đầu tư tôn tạo tương đối hoàn chỉnh thì các di tích còn lại phần lớn chưa được đầu tư, phục dựng, tu bổ, tôn tạo. Công tác tu bổ, tôn tạo mới chỉ triển khai thực hiện ở 1 số di tích trong danh mục đầu tư giai đoạn 2020 – 2025 của Nghị quyết 167 còn các di tích khác chưa được thực hiện nên không đáp ứng nhu cầu bảo vệ, phát triển giá trị các di tích. Việc huy động nguồn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn chủ yếu là di tích lịch sử, yếu tố kết hợp khai thác dịch vụ chưa thu hút trong lúc nguồn lực địa phương các xã, thị trấn còn rất hạn chế.
 
Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Thu Hằng – UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban VHXH-HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Cam Lộ cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các di tích thuộc Nghị quyết 167; khẩn trương thực hiện các thủ tục, hạng mục đầu tư đã được cấp vốn. Trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở, nâng cao nhận thức các cấp các ngành về giá trị của di sản, di tích trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, các ngành để đảm bảo không được xâm hại đến các di tích, khi đầu tư phục dựng không mất đi giá trị của các di tích gốc; thận trọng, chặt chẽ, chính xác trong việc cắm mốc, tôn tạo, quy hoạch đất dành cho di tích cần đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Huyện Cam Lộ cần có kiến nghị với tỉnh về việc xử lý dứt điểm vướng mắc trong khu du lịch Tuyền Lâm để đúng quy trình và tránh lãng phí. Tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan để phát huy giá trị lịch sử của các di tích trên địa bàn.

Thế An – Trần Tú
Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập