Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) hôm qua cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị ứng phó với số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tăng nhanh sau trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại Thuỵ Điển. Pháp quyết định nâng cảnh báo y tế lên mức cao nhất.
Trong thông cáo đưa ra ngày 16/8, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) cảnh báo khả năng bị lây nhiễm đối với những công dân châu Âu đi du lịch đến các khu vực có dịch bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi, nhất là nếu có các tiếp xúc gần gũi thì nguy cơ bị mắc bệnh là “rất cao”.
ECDC cho rằng "rất có khả năng" các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp bị lây nhiễm chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh 1b đang bùng phát tại châu Phi.
Giám đốc ECDC bà Pamela Rendi-Wagner nhấn mạnh do mối quan hệ chặt chẽ giữa châu Âu và châu Phi, châu Âu phải có sự chuẩn bị và khuyến nghị cơ quan y tế các nước thành viên EU cần có kế hoạch phòng bị ở mức độ cao để có thể phát hiện và ứng phó nhanh chóng với bất kỳ trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ mới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua (16/8) cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng châu Âu dự kiến sẽ chứng kiến thêm nhiều trường hợp mới trong những ngày tới sau ca đầu tiên tại Thuỵ Điển. Tại Pháp, Thủ tướng Gabriel Attal quyết định nâng cảnh báo y tế lên mức cao nhất. Tổng thống Pháp Emmanuel đã yêu cầu tặng vaccine cho các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nhất.
Kể từ khi dịch bệnh đầu mùa khỉ bùng phát vào năm 2022, Pháp đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa bao gồm giám sát, chẩn đoán nhanh, tiêm chủng. Người đứng đầu chính phủ Pháp cho biết các biện pháp bổ sung mới bao gồm thiết lập biện pháp thông tin và khuyến nghị mới đối với những công dân trở về từ các vùng dịch, yêu cầu cơ quan y tế các địa phương chuyển tiếp các thông tin và khuyến nghị mới, nhất là với các nhóm dân cư có nguy cơ và cần tiêm chủng.
Chuyên gia truyền nhiễm học thuộc bệnh viện các bệnh nhiệt đới Pitié Salpétrière tại Paris, ông Robert Sebbag còn sớm để cho rằng một làn sóng dịch mới đã bắt đầu nhưng nhận định biến thể mới 1b có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với chủng virus gây ra làn sóng dịch năm 2022.
“Chủng virus thuộc nhánh 1b có khả năng rất nhanh. Điều cần thiết phải làm là tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là cách ly những người bị nhiễm, yêu cầu không rời khỏi nơi cư trú, khoanh vùng những người có tiếp xúc với họ và yêu cầu tiêm vaccine bởi thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 10 ngày”.
Theo VOV.VN
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 9
- Belarus tăng cường kiểm soát biên giới với Ukraine
- UNICEF: Gần 500 triệu trẻ em toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng cực đoan
- Ai Cập tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng ở Trung Đông
- Nga kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tìm cách giảm căng thẳng ở Trung Đông
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị