Các cựu binh Pháp từng tham chiến tại Điện Biên Phủ đã có mặt tại vùng đất này trong những ngày tháng 5 lịch sử. Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian, họ mới “tiêu hóa” được nỗi đau thất trận. 70 năm trước, họ rời vùng đất này với những giọt nước mắt của đau thương, chết chóc, nhưng khi quay lại, đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của sự hàn gắn và hướng tới tương lai.


Trong những ngày tháng 5 lịch sử, 3 cựu chiến binh Pháp từng tham chiến tại Điện Biên Phủ, giờ đều hơn 90 tuổi, đã quay trở lại vùng đất này để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm. Họ trở lại nơi 70 năm trước chỉ là lô cốt, hố pháo, máu và nước mắt trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” và cùng hợp tác vì sự phát triển của quốc gia và nhân dân hai nước.

Trong không khí của những ngày lịch sử, cựu binh William Schilardi chia sẻ, ông rất xúc động và cho biết đây là lần thứ 4 ông đến Điện Biên Phủ. Ông Schilardi phục vụ tại Tiểu đoàn 8, Lính dù Thiện xạ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Chiến đấu ở tuyến đầu nên ông bị thương 5 lần.

"70 năm qua, tôi đã luôn muốn tổ chức những chương trình kết nghĩa giữa các bạn trẻ Pháp và các bạn trẻ Việt Nam. Tôi nghĩ việc truyền lại những ký ức lịch sử tới lớp trẻ là rất quan trọng. Đây là những câu chuyện rất xúc động. Chính phủ hai nước cũng cần phải tìm cách để giáo dục giới trẻ về quá khứ của hai dân tốc", ông Schilardi bày tỏ.

Cựu binh Jean Yves Guinard cho biết, ông vẫn có những ký ức sâu đậm về vùng đất, con người nơi đây: “Chúng ta ở đây để hiểu rõ về lịch sử, tưởng nhớ những chiến sỹ đã hi sinh. Chúng ta không thể né tránh lịch sử, điều này sẽ giúp Việt Nam và Pháp gắn bó với nhau hơn.” – ông Guinard chia sẻ.

Ông Guinard cho biết thêm, ông và những người bạn cũng đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực hòa giải mối quan hệ giữa hai quốc gia, có nhiều dự án hỗ trợ cho thương binh Việt Nam và trao học bổng cho các học sinh Việt Nam.

Bà Patricia Mirallès, Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp phụ trách vấn đề cựu chiến binh cho biết, quan hệ Việt - Pháp đã có sự phát triển vượt bậc, điều này cho phép hai bên cùng chung tay bảo vệ hòa bình, đây là điều rất có giá trị trong giai đoạn hiện nay.

"Chúng tôi rất vui khi nhà nước Việt Nam đã mời chúng tôi đến đây để thấy lịch sử đã diễn ra như nào, Tổng thống Emmanuel Macron luôn nói rằng chúng ta cần phải nhìn vào lịch sử của mình, ngay tại đây, chúng ta đang nhìn vào lịch sử của chúng ta và cần ghi nhớ điều này", Quốc vụ khanh Mirallès khẳng định.

“Họ phải rất khó khăn để quay trở lại”

Nhà sử học đương đại Pierre Journoud hiện là Giáo sư tại Trường Đại học Montpellier 3, Paul Valery. Ông là tác giả nhiều cuốn sách viết về chiến tranh Đông Dương, về chính sách ngoại giao của Pháp tại Đông Dương đi cùng đoàn trong chuyến quay trở lại Điên Biên Phủ cho biết, đây là những chuyến thăm có ý nghĩa biểu tượng và ý nghĩa tâm lý rất lớn.

“Trước hết, cần phải có thời gian để “tiêu hoá” những nỗi đau, những tổn thương mà họ đã phải trải qua. Có những cựu binh Pháp nói với tôi rằng, họ đã phải mất 10 năm mới có thể đứng dậy sau trận Điện Biên Phủ. 10 năm là quãng thời gian dài trong cuộc đời 1 con người và phải mất gấp đôi, thậm chí gấp 3 quãng thời gian đó họ mới có thể quay lại Điện Biên Phủ. Những cựu binh Pháp đầu tiên trở lại Điện Biên Phủ là khoảng 30 năm sau cuộc chiến, vào giữa thập kỷ 80. Tất nhiên, trong quãng thời gian trước đó, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh nên điều đó cũng ngăn trở ý định của một số cựu binh Pháp” - nhà sử học Pierre Journoud đánh giá.

Thời điểm trở lại Điện Biên Phủ hết sức quan trọng với các cựu binh Pháp. Bởi vì trước hết, đó là nơi họ đã phải chịu khổ đau, nhưng quan trọng hơn, lúc quay lại Điện Biên Phủ là lúc họ xoa dịu được ký ức, xoa dịu được những tổn thương và hướng tới việc hoà giải với những đối thủ cũ.

“Tôi nghĩ rằng họ phải có rất nhiều dũng khí để có thể vượt qua được sự tổn thương và quay lại nơi đã gây ra sự tổn thương đó, rồi đối thoại với những đối thủ cũ. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc gặp gỡ hết sức tình cảm, hết sức bác ái giữa những cựu chiến binh ở hai phía, có rất nhiều nước mắt, nhưng là nước mắt của niềm vui chứ không phải nước mắt của đau thương, chết chóc. Trong cuốn sách, tôi nhấn mạnh rất nhiều đến những nhân chứng và những câu chuyện này bởi đây là những nhân tố trọng tâm của tiến trình hoà giải giữa hai bên.” – ông Journoud nói.

Không quên lãng nhưng tất cả được đặt sang một bên

Năm 1993, Tổng thống Francois Mitterand là nguyên thủ phương Tây đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Ông đã quyết định đến thăm Điện Biên Phủ bất chấp ý kiến can ngăn của một vài cố vấn.

Theo Nhà sử học Pierre Journoud, ngày đó vẫn có một sự phản đối trong dư luận Pháp và đặc biệt trong các Hiệp hội cựu chiến binh Pháp. Vì thế, việc Tổng thống Mitterand quyết định thăm Điện Biên là lựa chọn rất dũng cảm nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng đấy không phải chuyến thăm chính thức mà là thăm cá nhân trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước. Tuy nhiên, chuyến thăm đó cho phép lật mở sang một trang mới. Tổng thống Mitterand lúc đó cũng thừa nhận rằng cuộc chiến tại Điện Biên Phủ là một sai lầm, tức là thừa nhận trách nhiệm của quân đội Pháp trong cuộc chiến. Ông Mitterand đã nâng ly với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chuyến thăm Điện Biên. Đó là một hành động có ý nghĩa biểu tượng rất lớn.

Cột mốc thứ 2 là chuyến thăm của Thủ tướng Édouard Philippe. Đây là lần đầu tiên có có chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Pháp đến Điện Biên Phủ.  Thủ tướng Édouard Philippe rất mong muốn có chuyến thăm này và ông ấy đã dành cả một buổi chiều cho Điện Biên Phủ.

“Tôi tháp tùng ông ấy và hướng dẫn ông ấy thăm lại các địa điểm cũ trên chiến trường. Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất là khi Thủ tướng Édouard Philippe không chỉ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các binh sĩ Pháp mà còn là lần đầu tiên đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các liệt sĩ Việt Nam tại Đồi A1. Đó là một hành động rất ý nghĩa, củng cố hơn nữa sự hoà giải giữa hai đất nước chúng ta.” – ông Pierre Journoud nói.

Nước Pháp đã mất nhiều thời gian hơn để “nuốt trôi” quá khứ này bởi Điện Biên Phủ là một thất bại, là khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế thực dân Pháp nên thực sự thì đây vẫn là một phần lịch sử nhạy cảm tại Pháp.

Tuy nhiên, con đường hoà giải là con đường đã được nhiều người tạo dựng, từ những chính khách như Phạm Văn Đồng, Pierre Mendes France, Tướng De Gaulle, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến Tổng thống Mitterand và nhiều lãnh đạo Việt Nam cho đến tận ngày nay. Con đường này đã ghi dấu năng lực của các nhà lãnh đạo hai nước trong việc lật qua trang sử quá khứ đau thương để đối mặt với các thách thức rất phức tạp hiện nay.

“Tôi thực sự tin rằng chúng ta đã hoàn toàn bước sang trang mới từ rất lâu rồi. Chính quyền và nhân dân Việt Nam đã rất sáng suốt khi nhanh chóng đặt quá khứ sang một bên, không quên lãng nhưng tất cả đau thương, mất mát đã được đặt sang một bên” – ông Pierre Journoud kết luận.


Theo VOV.VN

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập