Với vai trò là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt nam có chức năng, nhiệm vụ tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân. Với hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống cơ sở, với 94.159 chi hội, 162.535 tổ hội và hơn 10,2 triệu hội viên và 12,4 triệu hộ gia đình nông dân. Cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung, hoạt động công tác hội và phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Trần Mạnh Hoài, thời gian qua, Đảng ủy đã chỉ đạo triển khai “dân vận khéo” thành các phong trào có ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp hội đã xây dựng hàng chục nghìn mô hình thực tế, vận động nông dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống khắp cả nước; trong đó, thành lập hơn 3.000 chi hội nông dân nghề nghiệp, hơn 30 nghìn tổ hội nông dân nghề nghiệp; 4.699 mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; mô hình kinh doanh dịch vụ, làng nghề…
Ở khắp các vùng, miền xuất hiện hàng chục nghìn mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, trong đó có hơn 3.800 hợp tác xã và 19.200 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; 34.000 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; làng quê an ninh, an toàn hơn nhờ hiệu quả của các mô hình “thắp sáng đường quê”, “đoạn đường nông dân tự quản”, “tiếng kẻng an ninh”. Hàng nghìn mô hình vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; gần 7.000 câu lạc bộ nông dân với pháp luật... Ghi nhận từ thực tế cho thấy, các mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.
Sau từng giai đoạn cụ thể, Trung ương Hội sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng những mô hình hiệu quả; kịp thời khắc phục, điều chỉnh nếu mô hình chưa phù hợp điều kiện thực tế... Thực tế cho thấy, những mô hình xuất phát từ thực tiễn, gắn nhiệm vụ chính trị và lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của cán bộ, công chức, viên chức và hội viên, nông dân để làm thước đo sẽ là những mô hình thành công. Sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, cả về lợi ích vật chất và tinh thần sẽ nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tự nguyện của các hội viên, khi đó sẽ thấy rõ lợi ích rất lớn và bền vững trong triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần khích lệ người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở.
Nhân rộng những cách làm hay, mô hình thiết thực, Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội chủ động tham mưu Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham vấn, đối thoại lấy ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; chuyển đổi số và chủ động tham gia vào nền kinh tế số.
Theo NHANDAN.VN