Ngày 8/5, truyền thông châu Âu cho biết, các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được sự đồng thuận về việc triển khai các tài sản nhà nước bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.


Kể từ tháng 2/2022, phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga. Đây cũng là năm thứ ba Ukraine được bảo vệ trước ưu thế quân sự của Nga và đang cần được hỗ trợ thêm về tài chính, quân sự.

Bỉ hiện là quốc gia đang chủ trì các cuộc đàm phán tại Hội đồng châu Âu cho biết, các nhà ngoại giao đã tạm đồng ý phân bổ nguồn thu "bất thường" từ tài sản của Nga để tái thiết và nâng cao phòng thủ quân sự của Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ, không thể có biểu tượng nào mạnh mẽ hơn và không có công dụng nào lớn hơn đối với số tiền đó, ngoài việc biến Ukraine và toàn bộ châu Âu trở thành một nơi an toàn hơn để sinh sống.

Theo Reuters, dự kiến Ukraine sẽ nhận được từ 2,7-3,3 tỷ USD (2,5-3 tỷ euro) hàng năm từ lợi nhuận được tạo ra từ tài sản bị phong tỏa. Hầu hết số tiền này (lên tới 90%) sẽ đưa vào quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine, phần còn lại dành cho việc tái thiết và phục hồi kinh tế.

Theo tờ Politico, các quốc gia trung lập như Áo, Ireland, Malta và CH Síp có thể hạn chế mua vũ khí, thay vào đó chọn tập trung cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Các quan chức Ukraine cũng đã kêu gọi các nước EU và G7 tịch thu tài sản để hỗ trợ việc phòng thủ và phục hồi nước này.

Tuy nhiên, các quan chức châu Âu đã hạn chế tịch thu trực tiếp do rủi ro pháp lý và tài chính. Có những lo ngại rằng, Moscow có thể trả đũa bằng cách nhắm mục tiêu vào tài sản của phương Tây ở Nga hoặc theo đuổi các thách thức pháp lý.


Theo VOV.VN

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập