Hậu phương lớn
Đầu những năm 1960, cùng với “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Cờ Ba nhất” trong quân đội, “Trống Bắc Lý” trong giáo dục, phụ nữ “Ba đảm đang”, thanh niên “Ba sẵn sàng”; “Gió Đại Phong” là một trong những hình mẫu tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc khi tạo ra khí thế sản xuất mạnh mẽ trên mặt trận nông nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương ở miền bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến miền nam chống kẻ thù xâm lược.
Nói đến phong trào Gió Đại Phong, phải nhắc đến nhà báo Hà Đăng với bài báo Ba lần “đuổi kịp trung nông”, đã ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời làm báo của ông. Ông kể: Vào những năm 1959-1960, khí thế phong trào hợp tác hóa nông nghiệp lên cao. Tháng 12/1960, lần đầu tiên tôi được cử vào Quảng Bình. Ở Đồng Hới, đang có một hội nghị tổng kết về phong trào hợp tác hóa. Do lỡ một chuyến xe đò, tôi đến hội nghị quá chậm, vào lúc gần kết thúc. Lúc ấy, Phó Thủ tướng Phạm Hùng đang nói chuyện.
Đồng chí đặc biệt biểu dương Hợp tác xã Đại Phong làm ăn tốt. Cảm nhận đây là một điển hình hay cho nên ngay sau hội nghị bế mạc, tôi gặp Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyễn Ngọc Ánh và đề nghị được cùng anh về thăm hợp tác xã. Chủ nhiệm Ánh sắp xếp cho tôi ở nhà một bà cụ xã viên. Liền mấy hôm, tôi đi khảo sát tình hình ở hợp tác xã, nghe Chủ nhiệm báo cáo và phỏng vấn các gia đình xã viên.
Tôi viết bài Ba lần “đuổi kịp trung nông”, phản ánh ba bước tiến đáng ghi nhận của hợp tác xã. Bài báo đăng Báo Nhân Dân ngày 9/1/1961. Ngày hôm đó, Tổng Biên tập nhận được điện thoại từ chỗ Bác Hồ, khen đây là một điển hình tốt. Và ngày 11/1/1961, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác ký tên T.L, nhan đề là “Một hợp tác xã gương mẫu”. Bác cũng đã chỉ thị cho Ban Nông thôn Trung ương, lúc đó do đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban, trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm nhiều chuyên viên am hiểu về vấn đề nông nghiệp và nông thôn vào Đại Phong làm việc trong nhiều ngày. Khi về, giữa những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, anh đích thân chữa bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong. Bài này được đăng cả một trang Báo Nhân Dân. Cũng từ đó, một phong trào thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp và vượt Đại Phong, nói chung là Phong trào Gió Đại Phong nổi lên khắp cả nước.
Về phong trào “Ba đảm đang”, thật trùng hợp là tại chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang” vừa diễn ra ở Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày ra đời phong trào “Ba đảm đang”, chúng tôi gặp được Đại tá, Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu nhớ lại, tháng 5/1965, đế quốc Mỹ ngày càng leo thang đánh phá miền bắc. Đây cũng là thời điểm Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”, sau đó phong trào được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Với tinh thần căm thù giặc sục sôi, lại được thôi thúc bởi tinh thần phụ nữ “Ba đảm đang”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, mặc dù khi đó đang chuẩn bị thi tốt nghiệp ở Trường đại học Y Dược Hà Nội (nay là Trường đại học Y Hà Nội), bà đã cùng 100 sinh viên tình nguyện gác bút nghiên, viết đơn nhập ngũ. Với nhiều cố gắng, năm 1967, bà vinh dự được dự Đại hội Thanh niên quyết thắng toàn quân và Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng nữ Anh hùng tải đạn Ngô Thị Tuyển, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thái Văn A... và sau đó được đi báo công trong toàn quân. Cũng với tinh thần “Ba đảm đang”, liên tục trong vòng 15 năm từ năm 1967, năm nào bà cũng được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Với vai trò lãnh đạo phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cũng là người cảm nhận rõ khí thế cách mạng thời kỳ đó. Bà cho biết, trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, hàng triệu phụ nữ nông dân đã vươn lên đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tích cực học tập và áp dụng thành thạo kỹ thuật mới, hăng hái học cày, học bừa, sử dụng các loại công cụ cải tiến và cơ khí nhỏ.
Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, chị em tích cực tham gia phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động như nữ công nhân Nhà máy Dệt 8/3, tổ sợi I máy nhỏ ca A Nhà máy Dệt Nam Định. Sản xuất trong điều kiện bị đánh phá ác liệt nhưng chị em vẫn đứng vững vị trí sản xuất, với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng trăm nghìn nữ công nhân phát huy truyền thống yêu nước, đảm đang bám sát vị trí sản xuất.
Có thể nói, sức mạnh của tuổi hai mươi những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ thể hiện trên nòng súng. Sức mạnh ấy ở khắp mọi cuộc chiến đấu sôi sục và âm thầm, có tiếng súng và không có tiếng súng. Với phong trào tình nguyện “Ba sẵn sàng” phát triển sâu rộng khắp nơi trên miền bắc hòa nhịp với phong trào thi đua “Năm xung phong” của thanh niên miền nam, các thế hệ thanh niên giương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Các phong trào thi đua đã tạo ra động lực to lớn, phát huy mạnh mẽ tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa để đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền nam.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Chúng tôi gặp Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Binh đoàn 12 (tên gọi của Đoàn 559 sau ngày giải phóng), Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đúng vào dịp đất nước đang kỷ niệm 50 năm thống nhất. Ở tuổi 96, mặc dù bom đạn đã lấy đi ở ông một mảnh sọ, việc đi lại khó khăn nhưng nhìn Thiếu tướng Võ Sở vẫn rất nhanh nhẹn. Giọng ông rõ ràng, rành mạch, khi kể lại câu chuyện về lịch sử Đoàn 559.
Với tư tưởng tiến công “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, trong gần 20 năm, bộ đội Trường Sơn đã vượt lên bom đạn của kẻ thù, với hơn 733.000 trận oanh kích của máy bay Mỹ, ngụy và hơn 4 triệu tấn bom các loại, xây dựng nên một mạng đường giao thông kỳ vĩ trên Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang bao gồm nhiều loại đường: Đường hở, đường kín, đường nửa kín nửa hở cùng 600 km vận tải đường sông, xây dựng nên một hệ thống kho tàng chiến lược rộng lớn, kín đáo và vững chắc tạo nên “Trận đồ bát quái giữa rừng Trường Sơn”… Con đường ban đầu chỉ là những lối mòn qua rừng, sau mở rộng thành hệ thống đường cơ giới dài gần 20.000 km, vươn xa vào tận miền Đông Nam Bộ. Có lúc là đường đất, có nơi là đường ngầm, đường dây thông tin, đường ống dẫn xăng… nhưng một điều không bao giờ thay đổi là “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”.
Một trong những niềm vui của chúng tôi trong nghề báo là có mặt tại lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa ngày 5/4/2000 tại bến phà Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một trong những trọng điểm bắn phá của địch trong chiến tranh, đúng dịp kỷ niệm 41 năm Ngày thành lập Đoàn 559. Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát lệnh khởi công. Trong kháng chiến, đường Hồ Chí Minh là tuyến đường huyết mạch vận chuyển lực lượng, vũ khí, lương thực, thuốc men từ miền bắc tiếp tế cho chiến trường miền nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường Hồ Chí Minh giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong suốt quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh và sau này, mỗi lần trở lại những địa danh như Ngã ba Đồng Lộc, ngầm khe Rinh, đèo Đá Đẽo, Dốc Ba Thang - đường 20 Quyết Thắng, Bến phà Xuân Sơn, Hang Tám thanh niên xung phong, cầu treo Bến Tắt, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Km 0 đường B71, Bến Giằng..., thật sự xúc động khi đọc những dòng chữ trên các bia tưởng niệm, trên các nấm mộ của các Anh hùng, liệt sĩ. Đã có hàng chục nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ khắp mọi miền của Tổ quốc tới Trường Sơn để giữ cho tuyến đường luôn thông suốt và nhiều người ngã xuống khi tuổi mới đôi mươi.
Đến thăm Ngã ba Đồng Lộc lần này, chúng tôi leo lên quả đồi cao năm xưa mà Anh hùng La Thị Tám đứng đếm bom rơi và cắm tiêu. Những hố bom vẫn còn đấy, như bằng chứng nhắc nhở tất cả về sự khốc liệt, dữ dội của chiến trường, những gian khổ mà bà và các đồng đội trải qua. Trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Biểu, thành phố Hà Tĩnh, “O Tám gan dạ” chia sẻ: “Hồi ấy mặc dù chiến tranh đang ác liệt, nhưng phong trào lên đường nhập ngũ rất sôi nổi, những thanh niên như tôi đều háo hức được trực tiếp chiến đấu mới tin rằng mình thật sự được tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên biển với những đoàn tàu không số, đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh là một trong những kỳ tích của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ con đường lịch sử này, những đoàn quân điệp trùng với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” mang theo ý chí, khát vọng hòa bình, độc lập để quyết chiến, quyết thắng trong cuộc trường chinh thống nhất đất nước của cả dân tộc.
Theo nhandan.vn