Quốc hội dành phần lớn thời gian làm việc hôm nay 25/5, để xem xét kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.


Phiên giám sát tối cao được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Đoàn giám sát chuyên đề này được Quốc hội thành lập tại Kỳ họp thứ 5, do: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực.

Sáng nay, Quốc hội nghe Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (tối đa 40 phút).

Các đại biểu xem videoclip về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, trước khi thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Thành viên Chính phủ có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Để có được báo cáo giám sát trình Quốc hội, ngay từ những tháng đầu năm 2024, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn, đã tập trung khảo sát, làm việc với 10 địa phương đại diện cho các vùng, miền và làm việc với Chính phủ,12 bộ, ngành, cơ quan trung ương để đưa ra các đánh giá, nhận định kết quả việc thực hiện các chính sách quan trọng này.

Đoàn giám sát đã chia thành 4 tổ công tác khảo sát, giám sát tập trung tại các cụm địa phương, tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị. Đồng thời, sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra Chính phủ và đoàn đại biểu Quốc hội địa phương để tổng hợp, phân tích. Đây chính là những bài học kinh nghiệm trong thiết kế chính sách thời gian tới.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra còn có việc việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Báo cáo giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại từng thời điểm giám sát, và tiếp tục được đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7. Những kiến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện sẽ là cơ sở để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với nội dung về thực hiện Nghị quyết 43, việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các dự án quan trọng quốc gia đang trong quá trình triển khai thực hiện có ý nghĩa quan trọng trong việc đôn đốc, thúc đẩy Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Các khó khăn, vướng mắc được nhận diện kịp thời, giúp các địa phương chủ động phương án, bảo đảm tiến độ các dự án quan trọng.

Thời gian còn lại trong buổi chiều phiên làm việc ngày hôm nay, các đại biểu thảo luận ở tổ về 2 nội dung quan trọng.

Cụ thể là chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo VOV.VN

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập