"Kỳ họp Quốc hội lần này tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương 10, phải thể hiện được tinh thần, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, đồng bộ nhất, với các giải pháp mới, tư duy mới để thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra".
Hôm nay 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Hà Nội và dự kiến kéo dài tới 30/11/2024, với 29,5 ngày làm việc. Hàng loạt nội dung quan trọng, từ nội dung cụ thể, thực tiễn đến những vấn đề chiến lược đang và sẽ đặt lên bàn nghị sự, nhất là trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 năm để nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến những mục tiêu, chỉ tiêu xa hơn và cao hơn trong tương lai.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được tổ chức ngay sau sự thành công rất tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII. Đáng chú ý, tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 là nhìn lại thời gian qua, xác định năm 2025 tập trung bứt phá để phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII, tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2026, Đại hội XIV của Đảng, đưa nước ta bước vào một giai đoạn mới, một kỷ nguyên phát triển của dân tộc Việt Nam.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ, 40 năm qua, thế giới tăng trưởng 200 lần; Việt Nam thời gian qua tăng trưởng tốt nhưng vẫn cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để mình bứt phá trong thời gian tới, đưa đất nước bước sang “kỷ nguyên mới”.
“Kỳ họp Quốc hội lần này tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương 10, phải thể hiện được tinh thần quyết tâm ấy, với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, đồng bộ nhất, với các giải pháp mới, tư duy mới để thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; khẳng định tầm vóc của đất nước ta, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định.
Quán triệt tinh thần trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Chính phủ rất nhiều lần; Đảng đoàn Quốc hội 2 lần họp với Ban cán sự Đảng Chính phủ để chuẩn bị cho kỳ họp. “Với tính chất quan trọng của kỳ họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc” – ông Nguyễn Khắc Định nói, đồng thời nhấn mạnh Kỳ họp thứ 8 có nhiều điểm mới.
Trước hết, có thể khẳng định, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có số lượng đề án nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó có nhiều nội dung, vấn đề lớn sẽ được xem xét với phương án tiếp cận làm việc mới.
Một điểm mới đáng chú ý là Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, xin ý kiến Đại biểu Quốc hội giảm thời gian đọc tài liệu trên hội trường, dành thời gian để Quốc hội thảo luận, trừ một số trường hợp đặc biệt; tăng thời gian thảo luận ở tổ, giảm thời gian thảo luận hội trường để nhận được nhiều ý kiến hơn.
“Đổi mới tư duy pháp luật” như thế nào?
Đổi mới tư duy làm luật là vấn đề được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nhấn mạnh nhiều lần trong thời gian qua và tinh thần này sẽ được thể hiện rõ hơn tại Kỳ họp thứ 8 khi Quốc hội xem xét thông qua cũng như cho ý kiến lần đầu đối với hơn 30 dự án luật và nghị quyết quy phạm pháp luật.
“Tại một số hội thảo, các nhà khoa học nói là hệ thống pháp luật còn vấn đề này, vấn đề kia cũng do quy trình. Thành ra phải đối mới quy trình với 10 chữ: chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Vấn đề này đang được nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền. Tư duy cũng phải mới, như ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị nghiên cứu đổi mới tư duy pháp luật, từ thiên nặng về quản lý sang vừa quản lý tốt, nhưng khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển” – ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Cũng dẫn lời các nhà khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng hành lang pháp lý, khung khổ pháp luật càng rộng thì sự sáng tạo càng nhiều; còn chật, chi tiết quá sẽ trói buộc sự sáng tạo. “Hãy dành sự sáng tạo đó cho Chính phủ, cơ quan quản lý. Nhưng yêu cầu phải không được làm phiền người dân, doanh nghiệp, phải thúc đẩy sản xuất, khơi thông nguồn lực.”
Điều đó cũng đòi hỏi Quốc hội, HĐND phải giám sát chặt chẽ, ngay từ khi chính sách chưa được ban hành chứ không phải thực hiện xong mới đi giám sát. Giám sát phải có sự phối hợp các cơ quan, kế thừa sản phẩm, tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát các cấp gây phiền hà cho đối tượng chịu sự giám sát, cản trở hoạt động.
“Tất cả tư tưởng này sẽ được thể hiện thông qua những bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và từng đề án, dự án” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
"Việc của ai thì trả về cho người đó"
Thực thế thời gian qua, tư duy đổi mới đó cũng đã bước đầu được triển khai, thể hiện. Nhiều dự án luật sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đã rút ngắn số điều khoản. Luật sắp tới sẽ rất ngắn song cũng sẽ đủ cơ sở pháp lý tốt để vừa quản lý tốt vừa khơi thông nguồn lực, tạo ra hành lang để các cơ quan quản lý thỏa sức sáng tạo, tránh tình trạng quy định quá cụ thể dẫn đến khó sửa đổi khi vướng khi thực hiện vì muốn sửa luật phải mất hàng năm.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, một yêu cầu nữa là luật hóa tối đa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng hiện chưa làm được, còn đang nghiên cứu. Tức vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội sắp tới thì phải ban hành luật chứ không phải ban hành nghị quyết. Ví dụ Nghị quyết Ngân sách 2025 sẽ thành Luật Ngân sách 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, sau khi biểu quyết thông qua cũng thành luật; hay về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng thành luật…
Về phía Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị các hội nghị, diễn đàn khoa học về đổi mới tư duy pháp luật. Theo ông Nguyễn Khắc Định, tư duy làm luật khác, tư duy làm nghị định, thông tư, văn bản địa phương có cái khác. Trong đó có sự phối hợp phân công, phân cấp. “Tinh thần là việc của ai thì trả về cho người đó và ai làm tốt nhất giao cho người đó làm, gắn với đảm bảo điều kiện”.
Như Diễn đàn Kinh tế - xã hội trước đây Quốc hội làm thì bây giờ thống nhất chuyển cho Chính phủ thực hiện. Quốc hội sẽ tổ chức diễn đàn về giám sát (diễn ra vào tháng 12/2024) và diễn đàn về đổi mới xây dựng pháp luật (dự kiến vào tháng 1/2025).
“Có nhiều việc làm để tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Không đợi đến khi đề án ấy xong, không đợi có các diễn đàn mới đổi mới, mà đổi mới hằng ngày, hằng giờ. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đổi mới, Chính phủ đã đổi mới và trong kỳ họp này có nhiều đổi mới” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Theo VOV.vn
- Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Lào và tham dự Đại hội đồng AIPA-45
- Quốc hội Việt Nam mong được đón Chủ tịch Quốc hội Armenia vào tháng 11/2024
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc
- Không ngừng củng cố và vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
- Phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị