"Chúng tôi sẽ áp thuế 25% với tất cả ô-tô không được sản xuất tại Mỹ" - tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Phòng Bầu dục hôm 26/3 (giờ địa phương) đã hiện thực hóa cam kết lâu nay của ông với cử tri trong nước.
Theo Thư ký Nhà Trắng Will Scharf, chính sách mới sẽ áp dụng với toàn bộ xe con và xe tải nhỏ sản xuất ở nước ngoài, đồng thời được kỳ vọng mang lại hơn 100 tỷ USD mỗi năm cho ngân sách liên bang.
Từng là biểu tượng cho sức mạnh công nghiệp Mỹ, ngành ô-tô nước này đã dần suy yếu do cạnh tranh từ Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc. Biện pháp thuế mới không chỉ nhằm bảo vệ các “ông lớn” như Ford hay GM, mà còn được xem là đòn bẩy để tái thúc đẩy sản xuất nội địa.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump 2.0 nhằm phục hồi ngành sản xuất, khẳng định chủ quyền kinh tế và giảm sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
![]() |
Cảng Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Trong báo cáo phân tích ngành mới công bố, Tập đoàn tài chính Monex (trụ sở tại Tokyo) cho biết, các mức thuế gần đây của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 12/3, đã bắt đầu gây xáo trộn chuỗi cung ứng và dòng thương mại toàn cầu. Việc bổ sung mức thuế 25% đối với ô-tô được cho là sẽ tác động mạnh tới giá cả và khả năng cung ứng. Dự báo trong ngành cho thấy, mức thuế mới có thể khiến giá trung bình mỗi chiếc xe tại Mỹ tăng thêm tới 3.000 USD, kéo theo doanh số toàn thị trường sụt giảm trong năm 2025.
Canada - một trong những nhà cung cấp ô-tô lớn nhất cho Mỹ đang xem xét các biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn. Tân Hoa xã dẫn nguồn báo chí Canada cho biết, Chính phủ của Thủ tướng Mark Carney đang cân nhắc nhiều phương án trả đũa thuế quan từ Mỹ. Phát biểu trong chuyến vận động tranh cử, ông Carney gọi các mức thuế mới là “cuộc tấn công trực tiếp” nhằm vào người lao động Canada, bất kể cách thức triển khai.
Trước đó, ông đã công bố quỹ phản ứng chiến lược trị giá 2 tỷ CAD (1,4 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp ô-tô trong nước. Khoản này sẽ được dùng để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ việc làm, đào tạo tay nghề và xây dựng một chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh. Theo truyền thông trong nước, ông Carney cũng cam kết sẽ ưu tiên sử dụng xe do Canada sản xuất nếu đắc cử trong cuộc bầu cử vào ngày 28/4.
Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ "sự tiếc nuối sâu sắc" trước quyết định áp thuế của Mỹ.
“Ngành công nghiệp ô-tô là động lực đổi mới, giữ vai trò trung tâm trong năng lực cạnh tranh và tạo việc làm chất lượng cao. Chuỗi cung ứng giữa hai bờ Đại Tây Dương đã được tích hợp sâu rộng”, bà nói trong một tuyên bố chính thức.
Chủ tịch Ursula von der Leyen cũng cảnh báo rằng mức thuế mới không chỉ gây tổn hại cho doanh nghiệp mà còn “tồi tệ hơn đối với người tiêu dùng” ở cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). EU khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, đồng thời bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Về phía chuyên gia, Giáo sư Holger Goerg, nhà kinh tế quốc tế tại Đại học Kiel (Đức) cho rằng, chính nền kinh tế Mỹ sẽ là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các chính sách thuế mới này.Theo ông, thuế quan khiến lạm phát tăng và làm giảm sức cạnh tranh, trong khi những dấu hiệu suy yếu của kinh tế Mỹ đang dần lộ rõ như giá cả leo thang và thị trường chứng khoán sụt giảm.
Ngay sau khi thông tin về mức thuế được công bố, cổ phiếu của nhiều hãng xe niêm yết tại Mỹ đã đồng loạt giảm giá. Nhà đầu tư lo ngại một cú sốc mới đối với ngành công nghiệp ô-tô vốn đã chịu nhiều biến động dưới chính sách thương mại của ông Trump.
Theo nhandan.vn