Tiến trình hòa bình ở Ukraine sẽ đi về đâu? Khi thỏa thuận ngừng bắn một phần hết hiệu lực vào cuối tháng 4, Washington sẽ phải quyết định liệu có tiếp tục nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện hay sẽ rẽ sang một hướng đi mới.



Chiến thuật của Nga khiến nỗ lực của ông Trump chệch hướng?

Chấm dứt xung đột ở Ukraine là một trong những cam kết tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông từng tự tin tuyên bố có thể đạt được điều đó chỉ trong 24 giờ. Thế nhưng, sau 3 tháng nhậm chức, chính quyền ông Trump mới chỉ đàm phán được một lệnh ngừng bắn một phần trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn.

Các cuộc tấn công quân sự vẫn chưa dừng lại bất chấp hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa quan chức Mỹ và Nga cũng như các cuộc điện đàm trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sáng kiến chính của ông Trump là đề xuất lệnh ngừng bắn toàn diện kéo dài 30 ngày nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình rộng hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ngay lập tức đồng ý với đề xuất này hồi tháng 3 nhưng Tổng thống Putin thì không. Thay vào đó, ông đưa một đề xuất thay thế, đó là lệnh ngừng bắn chỉ áp dụng với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Nga phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ. Trong khi đó, Ukraine liên tục tấn công các nhà máy lọc dầu và kho chứa của Nga, chủ yếu bằng UAV tự sản xuất trong nước. Từ đầu năm 2025 đến nay, ước tính Ukraine đã phá hủy khoảng 10% công suất lọc dầu của Nga.

Giới quan sát chỉ ra rằng, bằng cách giới hạn phạm vi ngừng bắn, Điện Kremlin có thể bảo vệ năng lực sản xuất năng lượng của mình, trong khi vẫn tiếp tục tấn công Ukraine. Một số ý kiến nhận định, Moscow vẫn muốn tiếp tục chiến đấu để đạt được mục tiêu công khai là kiểm soát toàn bộ 4 vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Một chiến thuật khác của Nga là liên tục đưa ra danh sách yêu cầu Ukraine nhượng bộ, trong đó có các điều kiện như Kiev phải từ bỏ chủ quyền với những vùng lãnh thổ Nga kiểm soát, rút khỏi kế hoạch gia nhập NATO và cắt giảm mạnh lực lượng vũ trang. Nga cũng muốn Ukraine phải chấp nhận thay đổi giới lãnh đạo chính trị.

Theo giới quan sát, việc Nga liên tục đưa ra những yêu cầu đó khiến chúng dần trở thành những cuộc thảo luận công khai. Khi các nhà báo hoặc quan chức Mỹ, chẳng hạn như đặc phái viên của Tổng thống Trump là ông Steve Witkoff lặp lại chúng, những yêu cầu này bắt đầu có vẻ hợp lý và chính đáng, từ đó tạo kỳ vọng rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần tuân theo các chương trình nghị sự của Moscow.

Một số ý kiến còn cho rằng Nga luôn có cách riêng để đánh lạc hướng Washington. Giới chức Nga đưa ra viễn cảnh về các thỏa thuận thương mại và đầu tư mang lại lợi nhuận lớn để thu hút các quan chức trong chính quyền ông Trump. Điều này rõ ràng là trọng tâm trong cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức Mỹ và Nga ở Saudi Arabia hồi tháng 2, mặc dù cuộc họp được tổ chức với mục đích chính là thảo luận kế hoạch hòa bình.

Đây cũng có lẽ là lý do cho chuyến thăm Washington đầu tháng 4 của ông Kirill Dmitriev - một nhân vật thân cận với Tổng thống Putin và là người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga. Ông Dmitriev xác nhận với báo chí rằng ông đã bàn bạc với phía Mỹ về các thỏa thuận tiềm năng liên quan tới kim loại đất hiếm, khai thác tài nguyên tại Bắc Cực và nối lại các chuyến bay trực tiếp giữa Mỹ và Nga.

Lệnh ngừng bắn ngày càng xa vời

Dù ông Trump đôi lúc có những phát biểu cứng rắn, như nói rằng ông bắt đầu mất kiên nhẫn với Moscow hoặc đe dọa áp thuế thứ cấp với các nước mua dầu từ Nga nhưng đến nay Washington vẫn chưa có biện pháp nào thực sự gây áp lực lên Nga.

Dù sao đi nữa, khả năng để ông Trump tăng mạnh trừng phạt thứ cấp đối với Nga là rất thấp, vì ông đã áp mức thuế lên tới 145% với Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga. Một lựa chọn nữa là nối lại viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, vốn đang trên đà cạn kiệt. Tuy nhiên, qua giọng điệu của ông Trump về việc Ukraine “đòi tên lửa”, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Mỹ đang xét lại lập trường phản đối viện trợ này.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff đã đến Paris vào 16/4 để tham vấn các nhà lãnh đạo Pháp về nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong đàm phán một lệnh ngừng bắn tại Ukraine cùng các vấn đề khác.

Chuyến đi có thể được hiểu như một sự điều chỉnh mới từ chính quyền ông Trump khi xét đến việc trước đây các quan chức của ông ít quan tâm đến quan điểm của châu Âu và Tổng thống đã nhiều lần hạ thấp vai trò của các đồng minh này, cho rằng họ không chi đủ cho quốc phòng và không trao đổi thương mại công bằng với Mỹ. Giới phân tích cho rằng giờ đây khi chính quyền ông Trump nhận thấy khả năng đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine dần trở nên mong manh, các đại diện của Mỹ dường như hy vọng Pháp có thể cứu vãn hy vọng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện đang dẫn đầu nỗ lực của châu Âu nhằm đưa ra các đảm bảo an ninh cho Kiev nếu đạt được một thỏa thuận.

Tuy nhiên, dù châu Âu có làm gì thì khả năng đạt được một lệnh ngừng bắn thành công vẫn rất thấp. Cuộc gặp của ông Witkoff với ông Macron đã diễn ra sau chuyến thăm Moscow hồi tuần trước - nơi đặc phái viên Mỹ cho biết đã có các cuộc trao đổi đáng chú ý với ông Putin về cuộc xung đột ở Ukraine mặc dù có vẻ những trao đổi đó chưa đủ sức thuyết phục để Nga có những hành động cụ thể.

Triển vọng về một thỏa thuận hòa bình do chính quyền Tổng thống Trump làm trung gian mà phía Ukraine có thể chấp nhận hiện tại cũng có vẻ rất xa vời.

Tiến trình hòa bình sẽ đi về đâu? Khi thỏa thuận ngừng bắn một phần hết hiệu lực vào cuối tháng 4, Washington sẽ phải quyết định liệu có tiếp tục nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện hay sẽ rẽ sang một hướng đi mới

Theo vov.vn

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập