Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do dịch Covid-19 vào tháng 5/2023, song đến nay, nguy cơ bùng phát các đợt lây nhiễm mới vẫn tiềm ẩn. WHO cho biết, mỗi tuần Covid-19 vẫn cướp đi sinh mạng của khoảng 1.700 người trên toàn thế giới. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đang giảm ở hai nhóm có nguy cơ cao nhất là nhân viên y tế và người trên 60 tuổi. WHO khuyến cáo những người trong nhóm có nguy cơ cao nhất nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong vòng 12 tháng kể từ liều gần nhất.
Dịch Covid-19 từng tàn phá nặng nề kinh tế thế giới và làm bộc lộ những điểm yếu của hệ thống y tế toàn cầu. Hội chứng Covid kéo dài (Long Covid) vẫn tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Báo cáo mang tên “Thế hệ sau đại dịch” của Viện tư vấn Censis và Hội đồng Thanh niên quốc gia Italia cho biết, gần một nửa số người trẻ ở Italia rơi vào trạng thái lo lắng và trầm cảm sau đại dịch Covid-19. WHO kêu gọi các chính phủ tiếp tục giám sát, bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và vắc-xin ngừa Covid-19 đáng tin cậy với giá phải chăng.
Những lỗ hổng trong bao phủ vắc-xin hiện nay dấy lên lo ngại về việc bùng phát dịch Covid-19 cùng nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Theo dữ liệu do WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, năm 2023, mới có 84% số trẻ em trên toàn thế giới được tiêm 3 liều vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP). Trên toàn thế giới có tới 6,5 triệu trẻ em không hoàn thành liều DTP thứ ba cần thiết để được bảo vệ trong giai đoạn đầu đời. So với năm 2022, tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa các bệnh này hầu như không tiến bộ, thậm chí thụt lùi so với mức của năm 2019, vốn đạt khoảng 86%. Thực tế này phản ánh sự chệch hướng trên hành trình đi đến mục tiêu đạt tỷ lệ “phủ sóng” vắc-xin phòng các bệnh nêu trên là 90% ở trẻ em và thanh thiếu niên, theo Chương trình Tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ trong tiến trình bao phủ vắc-xin là tâm lý của người dân do dự với vắc-xin. Chính phủ Australia vừa thông báo, số người tiêm vắc-xin phòng cúm ở Australia ít hơn khoảng 540.000 người so với mức cùng thời điểm năm 2023. Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tiêm chủng quốc gia (NCIRS) của Australia nhận định, nguyên nhân chính khiến mọi người không tiêm vắc-xin ngừa cúm là vì họ cho rằng bệnh cúm không nghiêm trọng, hoặc vắc-xin không có tác dụng. Trong bối cảnh phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, người dân cũng muốn cắt giảm các khoản chi tiêu mà họ cho là không quá cần thiết.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rình rập, nhưng đáng nói là, sau nhiều cuộc đàm phán, một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó các đại dịch trong tương lai vẫn chưa được hoàn tất vào tháng 5/2024 như kỳ vọng của WHO. Giữa lúc các nước tiếp tục chia rẽ sâu sắc về các vấn đề như chia sẻ vắc-xin và thuốc, quyền sở hữu trí tuệ…, WHO vẫn đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận này vào năm 2025, hoặc sớm hơn nếu có thể. Đây là lúc các bên cần nỗ lực tận dụng thời gian để tìm giải pháp cân bằng, tiến tới đạt thỏa thuận.
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra trầm trọng, kéo theo những thay đổi lớn đối với môi trường sống của con người, động vật và vi sinh vật, tạo điều kiện cho sự xuất hiện và lây lan nhiều mầm bệnh mới. Những bài học từ quá khứ cho thấy thế giới không thể chủ quan trước các nguy cơ y tế và phải sẵn sàng kế hoạch ứng phó, trong đó có việc thúc đẩy tiêm phòng và sớm đạt được một thỏa thuận toàn cầu mang tính nền tảng để chung sức ứng phó các đại dịch.
Theo Nhandan.vn