Sáng nay, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Trần Huy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 28 khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với nội dung trình bày các báo cáo; thảo luận tại hội trường, giải trình của cơ quan chuyên môn về các vấn đề được cử tri quan tâm. Tham dự phiên họp có đồng Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.



Trong ngày làm việc thứ 2, các Ban HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp thứ 28 - HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, gồm báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 28; báo cáo giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 26 trình kỳ họp thứ 28, tờ trình và kể hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025.


Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh khóa VIII

Đối với báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng thời đưa ra mục tiêu nhằm phấn đấu đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thống nhất mục tiêu và phương án tăng trưởng do UBND tỉnh trình.

Theo đó, rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh để điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn địa phương. Tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, điều chỉnh ranh giới Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị; quy hoạch vùng huyện của các huyện còn lại, quy hoạch đô thị đối với thị xã Quảng Trị, các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng nguồn thu ngân sách; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trên địa bàn…Đặc biệt là tổ chức triển khai kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Thông báo số 101 ngày 28/10/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn bản số 8386 ngày 15/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với tỉnh để tạo chuyển biến ngay từ những tháng đầu năm 2025.


Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh khóa VIII

Thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024, kế hoạch năm 2025 trình kỳ họp, các đại biểu cho rằng, mặc dù tỉnh đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2024, 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng năm 2024 chậm so với tốc độ tăng trưởng chung của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Để tiệm cận với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, ông Đào Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị cần nỗ lực chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục rà soát chủ trương, chính sách, ban hành thêm các nghị quyết chuyên đề sát đúng để phát triển kinh tế. Tập trung chiến lược phân tích kỹ các điểm nghẽn, nhận diện rõ những tồn tại, yếu kém, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp sát đúng. 

Đối với chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, ông Đào Mạnh Hùng khẳng định, từ các nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ và nguồn lực xã hội hóa, tỉnh đã cơ bản chuẩn bị đủ nguồn lực để thực hiện hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo vào năm 2025.

Trước thực tế vẫn còn tình trạng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, các đại biểu đề nghị tỉnh, các địa phương rà soát lại quy hoạch để đảm bảo người dân có diện tích tối thiểu đất ở, đất sản xuất, cần giải quyết điểm nghẽn này bằng các chính sách địa phương.

Qua quá trình rà soát đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hầu hết các địa phương phần lớn diện tích nằm trong các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết.

Liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Quảng cho biết, đối với việc cấp giấy chứng nhận đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay đã thực hiện giải ngân hơn 53% nguồn vốn được cấp. Để tránh chồng chéo trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ, đề nghị UBND các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số tổng hợp số lượng các hộ có nhu cầu đất ở, đất sản xuất để có chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

Đối với vấn đề nước sạch cho nông thôn và đô thị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hòe cho rằng, vấn đề này đã được thảo luận tuy nhiên đến nay do nhiều nguyên nhân mà nước sạch nông thôn vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri toàn tỉnh. Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh quan tâm, ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện Dự án “Hệ thống cấp nước sạch vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị” giai đoạn 2026-2030 đã được HĐND tỉnh cho chủ trương và bổ sung 150 tỉ đồng theo đề xuất của sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, các dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thông tin thêm về vấn đề nước sạch cho khu vực nông thôn và đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện nay Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án Nhà máy nước Cửa Tùng để phục vụ cho Nhân dân thị trấn Cửa Tùng với công suất dự kiến 6.500 m3/ngày, đêm. Tỉnh cũng có kế hoạch đầu tư mạng lưới cấp nước cho 8 xã của huyện Triệu Phong, dự kiến công suất 8.500m3/ngày,đêm, tổng mức đầu tư 72 tỉ đồng, chuẩn bị đề xuất Dự án Nhà máy nước ở Trấm, đảm bảo cấp nước cho toàn tỉnh.

Để giải quyết vấn đề nước sạch cho khu vực nông thôn và đô thị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang giao các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Tài chính xác định lại những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu cụ thể để trình HĐND tỉnh ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn. Trong đó cần xác định nhu cầu khu vực nông thôn cần bao nhiêu nhà máy cấp nước, đặt ở khu vực nào, ưu tiên giai đoạn 2026 - 2030 triển khai thực hiện. HĐND tỉnh sẽ tính toán, cân nhắc trên cơ sở đề xuất của các ngành, đơn vị về giá nước để có chính sách trợ giá nước vùng nông thôn và miền núi, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Về tình hình triển khai các nghị quyết hỗ trợ lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục vùng khó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay chính sách đối với học sinh nội trú trên địa bàn thấp, không còn phù hợp, thiếu nhà ăn để phục vụ công tác bán trú ở trường.

Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh thống nhất chủ trương để UBND tỉnh giao ngành giáo dục trình điều chỉnh nghị quyết 19 về phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

 Trao đổi về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang gợi mở các ngành, địa phương cần tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để thêm chỉ tiêu cho học sinh vùng khó vào học. Các trường THPT ở khu vực Vĩnh Linh, Gio Linh có thể nghiên cứu mở hệ THPT công lập dành riêng cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá một cách tổng thể, có các cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với giáo viên và học sinh ở các khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh.​

Đối với các ý kiến của cử tri về hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại một số địa phương thường xuyên hư hỏng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Hùng cho biết, Sở đang nghiên cứu phương án lâu dài là sử dụng hệ thống điện lưới để hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu được ổn định, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và các phương tiện lưu thông.

Về nguồn vật liệu đất đắp, quá trình khảo sát nhận thấy chưa tận dụng hết nguồn lực, do vậy kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị xem xét, tận dụng nguồn vật liệu hiện có để cấp cho các công trình, dự án.

Về vấn đề giải ngân, Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thanh đề nghị cần phải giải quyết các những điểm nghẽn liên quan đến giải ngân đầu tư công và giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Trong điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, các địa phương, đơn vị cần nỗ lực, quyết tâm, nâng cao năng lực thẩm thấu các nguồn vốn để đảm bảo các chỉ tiêu, giúp người dân được hưởng lợi.

Về một số nội dung kiến nghị liên quan đến hỗ trợ chế độ cho giáo viên dạy hòa nhập; các chế độ bảo hiểm; các khoản thu phí, lệ phí..., Sở Tài chính đã giải trình, đồng thời tiếp tục tiếp thu, xây dựng nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.

Để đạt các chỉ tiêu về phát triển công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Trường Khoa đề nghị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư các dự án nguồn điện, các dự án đường dây và trạm biến áp có trong Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là các dự án nguồn điện lớn như: Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 - 1.500MW; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nguồn điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư thuộc kế hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 517MW và 7 dự án thủy điện nhỏ. Triển khai kế hoạch điện VIII khi có quyết định phê duyệt đối với 12 dự án đã trình, phấn đấu đến cuối năm 2025 tổng công suất vận hành thương mại trên toàn tỉnh là 1.640,5MW.

Báo cáo, giải trình một số vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung đề nghị các nhà đầu tư cần tập trung đôn đốc, khẩn trương lựa chọn nhà thầu để triển khai sớm nhất, bên cạnh đó các địa phương cần chung tay, phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các thủ tục hành chính liên quan.

Liên quan đến nội dung thảo luận của các đại biểu về triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các quy hoạch liên quan một cách đồng bộ. Khẩn trương làm việc với Sở Công thương về việc bổ sung các chỉ tiêu của Quy hoạch điện VIII. Đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư vào các ngành trọng điểm.



PHAN KHIÊM – THANH CHÂU 

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập