Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ không tham dự các cuộc thảo luận về Ukraine sắp diễn ra tại London, Anh dù trước đó đã có kế hoạch tham gia.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce, cho biết lý do Ngoại trưởng Rubio vắng mặt là do xung đột lịch trình, đồng thời nhấn mạnh điều này không phản ánh sự thay đổi trong cam kết của Washington đối với tiến trình hòa bình.

“Ngoại trưởng Rubio là một người bận rộn... Do đó, một số kế hoạch được đưa ra trên cơ sở điều kiện. Trong trường hợp cụ thể này, các cuộc gặp tại London vẫn diễn ra, nhưng ông ấy sẽ không tham dự. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề hậu cần”, bà Bruce cho biết ngày 22/4.

Theo tờ Financial Times, Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, ông Steve Witkoff, cũng rút khỏi sự kiện và thay vào đó ông sẽ đến Moscow.

Ông Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine sẽ đại diện cho Washington tại các cuộc gặp ở London. Các cuộc thảo luận dự kiến có sự tham gia của các quan chức đến từ Anh, Pháp và Đức, những quốc gia ủng hộ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như đại diện từ phía Kiev.

Cuộc họp ở London diễn ra sau loạt cuộc gặp cấp cao tại Paris tuần trước, trong đó Ngoại trưởng Mỹ Rubio và Đặc phái viên Witkoff đã thảo luận với các quan chức châu Âu và Ukraine.

Theo New York Post, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov được cho là đã nói với các đặc phái viên Mỹ rằng Kiev “đồng ý khoảng 90%” với khuôn khổ hòa bình do Mỹ đề xuất. Văn kiện này cho đến nay vẫn chưa được công bố chính thức.

Washington Post ngày 22/4 dẫn các nguồn tin cho biết, đề xuất của Mỹ có thể bao gồm việc công nhận chính thức Crimea là lãnh thổ của Nga và khả năng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow như một phần của thỏa thuận trong tương lai. Trong khi đó, Financial Times cho biết Nga đã sẵn sàng ngừng giao tranh dọc theo đường ranh giới hiện tại.

Trong phát biểu ngày 21/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ hoài nghi về độ tin cậy của các thông tin được dẫn từ nguồn giấu tên trên truyền thông phương Tây.

“Hiện có rất nhiều thông tin được lan truyền, nhưng việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình không thể được thực hiện công khai. Những tuyên bố từ nguồn tin giấu tên cần được xem xét với sự cẩn trọng cao nhất”, ông Peskov nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine, cảnh báo nếu chính quyền Tổng thống Trump chính thức công nhận Crimea là của Nga, đây sẽ là “một vụ bê bối nghiêm trọng” và là kịch bản “tồi tệ hơn cả Munich năm 1938”.


Theo VOV.vn

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập