Moskva mong muốn lắng nghe đề xuất của Washington về việc giải quyết xung đột Ukraine, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố.
Một phái đoàn Nga sẽ tiến hành đàm phán với Mỹ tại Saudi Arabia vào ngày 18/2, chủ yếu nhằm tìm hiểu đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giải quyết xung đột Ukraine, Ngoại trưởng Sergey Lavrov xác nhận.
Ngày 17/2, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, thông báo rằng ông Lavrov và ông Yury Ushakov, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin về chính sách đối ngoại, sẽ đến Riyadh để gặp gỡ các quan chức Mỹ.
Cuộc gặp này nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ. Theo ông Peskov, nội dung đàm phán cũng bao gồm việc khôi phục quan hệ song phương.
Diễn biến này diễn ra sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút diễn ra ngày 12/2 giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump, trong đó chủ yếu bàn về giải pháp cho xung đột Ukraine.
Khi được hỏi về kỳ vọng trong cuộc đàm phán sắp tới, ông Lavrov nhấn mạnh: "Khi tham gia đàm phán theo đề xuất của đối tác, trước tiên chúng tôi muốn lắng nghe quan điểm của họ". Ông cũng đề cập rằng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí chấm dứt giai đoạn bất thường trong quan hệ song phương, khi mà hai bên gần như không có liên lạc trong ba năm qua.
"Hai Tổng thống đã đồng ý rằng cần nối lại đối thoại về tất cả các vấn đề có thể giải quyết theo cách này hay cách khác với sự tham gia của Nga và Mỹ... Vì vậy, chúng tôi sẽ lắng nghe các đối tác Mỹ và tất nhiên sẵn sàng phản hồi. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo lên lãnh đạo hai nước để đưa ra quyết định về các bước đi tiếp theo", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố “không thể có chuyện” Moskva nhượng bộ lãnh thổ cho Kiev trong những cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Nga đã tuyên bố sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine hồi tháng 9/2022. Tuy vậy, tuyên bố của Nga đã bị Ukraine và nhiều nước phương Tây bác bỏ, đánh giá là phi lý.
Tổng thống Trump từng cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc xung đột Ukraine, với kế hoạch của nhóm cố vấn dự kiến đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào trước ngày 20/4 tới. Sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump cho rằng việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là điều "không thực tế" và lưu ý rằng Kiev rất ít khả năng giành lại các vùng lãnh thổ đã được Nga sáp nhập trong thập kỷ qua.
Trong khi đó, Moskva luôn nhấn mạnh rằng họ tìm kiếm một giải pháp lâu dài thay vì chỉ là một lệnh ngừng bắn tạm thời. Nga khẳng định Ukraine phải cam kết trung lập, phi cực đoan hóa, phi quân sự hóa, đồng thời công nhận thực tế lãnh thổ hiện tại.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Đức ngày 17/2 tuyên bố Mỹ và Nga cần hướng tới nền hòa bình bền vững trong những cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh việc Mỹ và Nga có tiếp xúc trực tiếp không phải là điều xấu nếu cuộc gặp hướng tới mục tiêu tìm ra con đường dẫn đến nền hòa bình bền vững và lâu dài.
Theo Vov.vn
- Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn được tham gia đàm phán hòa bình Ukraine
- Tổng thống Mỹ tin có thể giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng ngoại giao
- EU cảnh báo đáp trả chính sách thương mại mới của Mỹ
- Ba Lan kêu gọi châu Âu lập kế hoạch khẩn cấp đối với Ukraine
- Phó Tổng thống Mỹ chỉ trích châu Âu làm lu mờ các cuộc đàm phán về Ukraine

Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị

Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị