Các nhà lập pháp Iraq đã không bầu được Chủ tịch Quốc hội vì cả hai ứng cử viên chính đều không giành được đa số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu căng thẳng diễn ra ngày 18/5.




Quang cảnh một phiên họp Quốc hội Iraq ở thủ đô Baghdad. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, đây là nỗ lực thất bại mới nhất của Quốc hội Iraq nhằm thay thế cựu Chủ tịch Quốc hội Mohamed al-Halbousi, người đã bị miễn nhiệm hồi tháng 11 năm ngoái, khi những bất đồng chính trị và chia rẽ giữa các đảng phái Sunni chủ chốt đã làm mọi nỗ lực cho đến nay đều chệch hướng.

Tham gia cuộc bỏ phiếu ngày 18/5 có 311 nhà nghị sĩ để bầu chọn người đứng đầu mới của Quốc hội Iraq gồm 329 thành viên. Văn phòng truyền thông Quốc hội Iraq thông báo ứng cử viên Salem al-Issawi đã giành được 158 phiếu ủng hộ, tiếp theo là nghị sĩ Mahmoud al-Mashhadani với 137 phiếu. Với kết quả này, ông al-Issawi chỉ thiếu có 7 phiếu ủng hộ để chiến thắng cử, do theo quy định, các ứng cử viên cần nhận được ít nhất 165 phiếu để chiến thắng.

Sau cuộc bỏ phiếu, các nhà lập pháp Iraq đã không tham dự cuộc bỏ phiếu lần thứ hai cùng ngày 18/5, sau khi các phương tiện truyền thông sở tại chia sẻ video về một cuộc ẩu đả xảy ra giữa các nghị sĩ và đưa tin ít nhất một người bị thương sau vụ việc. Văn phòng truyền thông Quốc hội Iraq sau đó thông báo phiên họp đã bị hoãn.

Iraq là một quốc gia có nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau, được quản lý bởi các thỏa thuận chia sẻ quyền lực phức tạp. Theo truyền thống, vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ của Tổng thống thuộc về người Kurd, Thủ tướng thuộc về người Shiite, trong khi Chủ tịch Quốc hội thường là người Sunni. Tuy nhiên, Quốc hội Iraq hiện nay bị chi phối bởi liên minh các chính đảng Shiite.

Nguyễn Tùng (TTXVN)


Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập