Là đại diện của cử tri, các ĐBQH đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động giám sát. Từ đó cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội là một trong những chức năng quan trọng nhất, nhằm đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý Nhà nước.



Là cầu nối, là đại diện của cử tri và nhân dân với Quốc hội, các ĐBQH đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động giám sát. 

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện thông qua hình thức giám sát tối cao của Quốc hội được luật định như: Chất vấn và trả lời chất vấn; Giám sát chuyên đề; Lấy phiếu tín nhiệm; Xem xét báo cáo của các cơ quan Nhà nước… 

Về hoạt động chất vấn và vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) cho rằng, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khác so với những kỳ họp trước khi chỉ chọn 3 nhóm vấn đề: ngân hàng, y tế và thông tin truyền thông. Dù giảm 1 nhóm vấn đề so với thường kỳ nhưng đó đều là những vấn đề nóng, có tác động lớn trong cuộc sống và phiên chất vấn không kém phần sôi động. 

Đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định, hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng hiệu quả với quy định rõ thời gian, thời lượng phải hoàn thành nhiệm vụ, ghi rõ mốc trong Nghị quyết, yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành phải triển khai.

“Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có thể xem như “hồn, cốt” của hoạt động Quốc hội. Đây là hình thức giám sát trực tiếp, được nhân dân và cử tri quan tâm, phản ánh không khí của nghị trường, đồng thời tác dụng của chất vấn mang đến hiệu quả tức thì. Tất nhiên, nhiều vấn đề còn có sự liên quan và bị hạn chế, chồng chéo, song các bộ trưởng đã rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm, xác định rõ trách nhiệm của mình. Vấn đề khó nói thẳng, việc chưa làm được cũng thừa nhận”, ông An chia sẻ.

Tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và HĐND đã được thảo luận, cho ý kiến lần đầu và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, dự án luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Từ đó, bảo đảm tính toàn diện, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; sửa đổi các quy định làm phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát; bổ sung các quy định mới, hoàn thiện các quy định đã có nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể và luật hóa các quy định, hướng dẫn trong các văn bản dưới luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được tổ chức thi hành ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là cần thiết, phù hợp, có hiệu quả.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát; việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát; việc cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát và ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND…

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đánh giá, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và các ĐBQH TP. Hà Nội thường xuyên được đổi mới, tập trung vào những vấn đề còn nhiều tồn tại của địa phương, những vấn đề mới phát sinh đều xuất phát từ yêu cầu thực tế, từ phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô.

“Nét nổi bật trong hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội là tập trung chuyên sâu, đi khảo sát thực địa, lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến từ cơ sở, nhiều kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH Thành phố đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp thu, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ những vấn đề bức xúc của các địa phương, đơn vị được giám sát. Những kiến nghị này đóng góp hiệu quả trong cung cấp thông tin cho các ĐBQH tham gia xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Với Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Một số ý kiến đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH như: lựa chọn nội dung để giao cho Đoàn ĐBQH giám sát hoặc cho phép các Đoàn lựa chọn một số nội dung giám sát phù hợp với nguồn lực của Đoàn và tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát. 

Tăng cường các báo cáo độc lập của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác như Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát, trong đó nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của Đoàn ĐBQH.

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập