Thủ tướng yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát, tăng nguồn cung, chuẩn bị cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng và các dịch vụ phục vụ người dân.
Sáng 8/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành liên quan để rà soát, nắm tình hình, đưa ra các giải pháp nhằm chủ động động, tích cực từ sớm, từ xa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Ngân hàng thương mại Nhà nước.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi qua 5 tháng; thời gian qua có nhiều điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương đã nắm rõ những việc cần phải làm. Tuy nhiên, cuộc họp này nhằm nhấn mạnh thêm 2 yếu tố vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là việc khó khăn trong bối cảnh hiện nay, nhất là yếu tố bên ngoài khó lường. Thường trực Chính phủ sẽ nghe báo cáo về chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách vi mô và các lĩnh vực khác. Trên cơ sở đó, chúng ta cần chủ động, tích cực "từ sớm, từ xa".
Thủ tướng đề nghị, phân tích đưa ra một số định hướng lớn với tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, làm việc nào dứt việc đó "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tất cả với mục tiêu từ nay đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng, phải thực hiện 3 việc lớn: phải bổ sung, hoàn thiện đường lối theo Cương lĩnh, định hướng lớn của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Văn kiện Đại hội. Theo Thủ tướng, vấn đề quan trọng là chúng ta phải tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là các chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có tăng trưởng, bởi có tăng trưởng mới tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, có tiếng nói, vị thế của đất nước trên thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc này vừa có ý nghĩa trước mắt lẫn lâu dài vì chúng ta đang kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không kiên định, không có lập trường, bản lĩnh sẽ dẫn đến điều hành lo sợ, "giật cục" trong thời điểm khó khăn hiện nay sẽ ảnh hưởng cả trước mắt và lâu dài.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tăng trưởng kinh tế 5 tháng vừa qua phục hồi tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc hơn, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 5 tháng cao hơn số rút lui khỏi thị trường. Sự phục hồi trong các tháng tới được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi, thời cơ từ bên ngoài và bên trong, nhất là các quy định pháp luật mới cho phép áp dụng sớm để thực hiện; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí sắp được ban hành; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, tham mưu Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp, như đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới: rà soát, tháo gõ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân; trong đó tập trung xử lý dứt điểm một số quy định về hoàn thuế VAT, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc…; sớm thông qua chủ trương xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh, khẩn trương hoàn thiện quy định pháp lý về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; có gói hỗ trợ tăng trưởng xanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhanh mô hình sản xuất, đáp ứng các tiểu chuẩn xanh, bền vững. Nghiên cứu xây dựng cac chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ phụ trợ để tham gia sâu quá trình xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; chính sách này cần thực hiện đồng bộ với dự án.
Tiếp tục thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu, triển khai các chính sách xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số thị trường lớn, tiềm năng; nghiên cứu sinh chính sách visa hợp lý để thu hút khách du lịch; có giải pháp đồng bộ để kích thích du lịch trong nước, cải thiện sức hấp dẫn của các điểm du lịch trọng điểm, nhất là việc quản lý giá vé máy bay dịp lễ tết, mùa du lịch. Tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tập trung thực hiện thực chất, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đẩy mạnh quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên không gian mạng, tăng cường phòng cháy, chữa cháy, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái…; đẩy mạnh công tác đối ngoại; nghiên cứu các cơ chế đột phá để thu hút các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt từ nước ngoài.
Về kiểm soát lạm phát: chủ động điều tiết nguồn hàng vào dịp cuối năm, lễ tết để hạn chế tâm lý tăng giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi để tránh các hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo từng tháng, chuẩn bị sẵn phương án điều chỉnh phù hợp, không tăng giá đột ngột và tăng giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ cùng thời điểm…; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý người tiêu dùng và kỳ vọng lạm phát.
Bảo đảm các cân đối lớn về thu, chi ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công Chính phủ, an ninh năng lượng: nghiên cứu trình cấp thẩm quyền phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong 2 năm 2024-2025 để đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia; tập trung hoàn tiện quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các doanh nghiệp, dự án năng lượng tái tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cấp điện, ứng phó các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra, nhất là tại khu vực miền Bắc; tuyệt đối không để thiếu điện cho sản xuất, không để xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên.
Tiếp tục củng cố và thúc đẩy phát triển bền vững các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; "hâm nóng" thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội: điều hành tỷ giá hài hoà, đồng bộ với điều hành lãi suất; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng; rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán; khẩn trương tổng kết thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và cho các dự án, công trình giao thông đường bộ đã phát huy hiệu quả, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Tập trung tháo gỡ trọng điểm khó khăn, vướng mắc pháp lý của một số dự án đầu tư bất động sản trong năm 2024…
Tại buổi họp, lãnh đạo Chính phủ và các đại biểu đánh giá, 5 tháng của năm 2024 đã đi qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn và có quan hệ kinh tế với Việt Nam đang hồi phục, song chậm, còn không ít khó khăn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế Việt Nam.
Mặc dù vậy, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, 5 tháng qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong ngưỡng cho phép; nhiều định chế thế giới lạc quan và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng trên 6%.
Các đại biểu cho rằng, kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn chịu áp lực trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới; chính sách của các nền kinh tế lớn có quan hệ kinh tế với Việt Nam; cũng như những diễn biến trên thị trường tiền tệ, ngoại hối, giá vàng, giá cả các mặt hàng trên thị trường trong nước.
Do đó, trên tinh thần chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa và "bàn làm, không bàn lùi", các đại biểu đề xuất tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, đánh giá thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức và cho rằng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó phấn đấu tăng trưởng đạt cận trên, lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu trưởng từ 6-6,5% và lạm phát từ 4-4,5%; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát bội chi, ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương đã đề ra.
Thủ tướng quán triệt tinh thần chủ động tấn công, phòng ngự từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, từ cơ sở; không cầu toàn, không nóng vội; không điều hành nóng vội, giật cục mà phải linh hoạt, mềm mại, hiệu quả; "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, song cũng không bi quan, lo sợ; có biện pháp khả thi, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp đồng bộ trong chính sách, tháo gỡ mọi khó khăn, điểm nghẽn; tạo khí thế mới, niềm tin mới, động lực, thắng lợi mới...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, với lãi suất giảm hợp lý; quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát, tăng nguồn cung, chuẩn bị cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng và các dịch vụ phục vụ người dân; công khai, minh bạch, không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ bất hợp lý mà phấn đấu giảm giá, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm, học phí, sách giáo khoa, dịch vụ khám chữa bệnh, giá xi măng..; giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo.
Các bộ, ngành tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như liên kết vùng, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Trong đó, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, với việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; phân bổ sớm 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cùng với đó, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, các hạ tầng xã hội, giải quyết dứt điểm vấn đề vật liệu san lấp thông thường.
Yêu cầu sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, giải quyết các vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định liên quan đầu tư công, hợp tác công tư, luật về thuế… trên cơ sở đó để đề xuất ban hành một văn bản luật để sửa nhiều luật; tăng thu, triệt để tiết kiệm chi; tập trung cải cách hành chính, thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong một số ngành, lĩnh vực, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ điện, với việc hoàn thành Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trước 30/6/2024, huy động và điều phối các nguồn điện phục nhu nhu cầu người dân, doanh nghiệp, khẩn trương trình ban hành 3 Nghị định về: cơ chế mua bán điện trực tiếp, về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG; khai thác, sản xuất, cung ứng đầy đủ xăng dầu, khí đốt; tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đồng thời nỗ lực sớm gỡ “thẻ vàng IUU”; đẩy mạnh thu hút du lịch; xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là các dự án như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2, hướng dẫn các địa phương gỡ các dự án có kết luận của Thanh tra.
Thủ tướng cũng yêu cầu nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán; chú trọng các lĩnh vực an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tích cực triển khai cải cách tiền lương; làm tốt công tác khám chữa bệnh, bảo đảm thuốc y tế; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia; tăng cường quốc phòng an ninh, ổn định chính trị; làm tốt công tác đối ngoại; tăng cường thông tin truyền thông, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự đồng lòng, chung sức, sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, sẽ đạt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 như Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo VOV.VN
- Hơn 10 năm thi hành Luật Công Đoàn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập
- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cụ thể hóa trách nhiệm mảng điện năng lượng tái tạo
- Khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024
- Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch, Giám đốc Tập đoàn FedEx Express
- Trao Quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và và Bộ trưởng Bộ Công an
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị