Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng can thiệp vào Syria nếu sự toàn vẹn của quốc gia láng giềng bị đe dọa, đồng thời tuyên bố lực lượng người Kurd ở Syria sẽ không có chỗ trong tương lai của quốc gia Arab này.


Tuyên bố cứng rắn của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ về Syria khiến Mỹ “khó xử” tại một khu vực “đầy tiềm năng”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua tuyên bố sẵn sàng can thiệp nếu quốc gia láng giềng Syria “chia đàn xẻ nghé” sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar Assad bị lật đổ.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Syria không thể bị chia cắt dưới bất kỳ hình thức nào, và trước nguy cơ đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng ngăn chặn.

“Chúng tôi thấy rằng chính quyền mới ở Syria đang cố gắng xây dựng một Syria dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của đất nước và quyết tâm thực hiện điều đó. Mong muốn, kỳ vọng và chính sách chân thành của Thổ Nhĩ Kỳ cũng hướng đến điều này. Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự tan rã của Syria hoặc sự phá vỡ cấu trúc thống nhất của nước này dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu chúng tôi thấy có rủi ro trong vấn đề này, chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện các bước cần thiết.”

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau khi nhóm Hayat Tahrir al-Sham và các nhóm vũ trang Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, coi nhóm Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd YPG là lực lượng khủng bố. Tuy nhiên, với việc nhóm này nắm giữ quyền kiểm soát phần lớn Syria, nên việc xóa sổ nhóm này là điều không hề dễ dàng.

Đích thân Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuần này cho rằng, việc xóa sổ YPG ở Syria là điều “sắp xảy ra” và Ankara sẽ không cho phép nhóm này duy trì sự hiện diện trong thời gian tới.

Dù vậy, Syria đang tăng cường nỗ lực tái thiết nhằm khôi phục hạ tầng, cải thiện đời sống người dân và tái lập ổn định sau một thập kỷ xung đột.

Hôm nay, sân bay quốc tế Damascus đã chính thức nối lại các chuyến bay quốc tế sau hơn 13 năm gián đoạn, với chuyến bay đầu tiên khởi hành tới thành phố Sharjah (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE) và đón chuyến bay từ Doha (Qatar) hạ cánh tại sân bay này. 

Hai tàu phát điện từ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng đang trên đường đến Syria, cung cấp thêm 800 megawatt, tương đương 50% sản lượng điện hiện tại. 

Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong nỗ lực tái thiết, nhưng Syria vẫn đối mặt những thách thức lớn. Theo Văn phòng Điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), 15 triệu người dân Syria đang thiếu lương thực, trong khi sản lượng lúa mì và lúa mạch có nguy cơ giảm mạnh nếu không nhận được hỗ trợ kịp thời. 

Hệ thống hạ tầng nông nghiệp, từ nguồn giống, phân bón đến thức ăn chăn nuôi, đang cần được phục hồi khẩn cấp. Lượng mưa thấp hơn mức trung bình cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức quốc tế.

Hôm qua, một chiếc máy bay của hãng Qatar Airways đã hạ cánh xuống sân bay Damascus lần đầu tiên sau 13 năm tạm dừng, khi sân bay này nối lại các chuyến bay quốc tế.


Theo VOV.VN

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập