Chiều 30/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam.



Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, lãnh đạo các bộ ngành liên quan.

Thảo luận tại buổi làm việc các đại biểu cho biết, biến động về địa kinh tế, chính trị trên thế giới trong thời gian gần đây và diễn biến mới nhất tại các trung tâm kinh tế, tài chính trong khu vực và thế giới đang tạo ra cơ hội cho những trung tâm tài chính tại một số thị trường mới nổi bứt phá và tạo lập vị thế mới. Qua đó, tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế lớn như London, Hong Kong, Singapore...

Việt Nam đang là điểm sáng về thu hút đầu tư, dần hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới, cụ thể: kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có tính kết nối cao; có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu gắn với vị trí địa kinh tế chiến lược; triển vọng tốt nhờ tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; chuyển đổi kinh tế số và gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo; số lượng doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng, trong đó đã hình thành một số tập đoàn lớn; quy mô nền kinh tế và mức độ phát triển của thị trường tài chính ngày càng được cải thiện, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính, trong đó có các nhà đầu tư lớn như Dragon Capital, J.P Morgan...

Cho ý kiến về việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành địa phương TP. HCM và Đà Nẵng thống nhất cao việc xây dựng trung tâm này. Các đại biểu khẳng định, việc hình thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ tạo một bước chuyển mới về chất, thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vấn đề mới, phức tạp và cần có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Do đó, cần phải nghiên cứu xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các định hướng, chủ trương lớn về chính sách áp dụng cho trung tâm tài chính.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu sự cần thiết của việc xây dựng Đề án, cơ sở chính trị, pháp lý như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị để “Thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế; “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng”.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng đề án này là thể chế hóa đường lối của Đảng, vì vậy phải có cách tiếp cận đơn giản, nhanh hiệu quả, dựa vào năng lực nội sinh của đất nước, tinh thần vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội.

Phải lựa chọn các chính sách đặc thù tinh túy nhất của cả 3 mô hình trung tâm tài chính trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam có lộ trình rõ ràng, cụ thể, công khai, rộng rãi. 

Phải xác định rõ mục tiêu, phạm vi đối tượng, giai đoạn 1 cần những gì? cơ sở vật chất như thế nào, nguồn lực, cơ cấu tổ chức phải nghiên cứu phù hợp với thể chế của Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tương chỉ rõ, việc hình thành trung tâm này nhằm phát triển thị trường tài chính, huy động nguồn lực tài chính cho sự phát triển của thành phố Hồ Chính Minh và Đà Nẵng nói riêng và cho đất nước nói chung. Cùng với đó phải xác định xem chức năng quyền hạn nhiệm vụ của trung tâm này đến đâu? Theo Thủ tướng phải có cơ chế chính sách phải đột phá như thế nào để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư về tài chính, về ngân hàng, các định chế tài chính để thu hút được nguồn lực tài chính nhất là các nguồn lực tài chính về tài chính xanh phục vụ tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu… và làm sao trung tâm này phải hoạt động 24/24h, phát triển thị trường tài chính làm sao cho an toàn, bền vững, hội nhập.

Thủ tướng mạnh, đây là vấn đề mới, khó, vì vậy Thủ tướng đề nghị các bộ ngành thành viên Ban chỉ đạo phải làm việc hết mình, với tinh thần cao, vì nếu sợ trách nhiệm sẽ không làm nổi, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội.


Theo VOV.vn

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập