Chiều 22/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Hoá chất Việt Nam (19/8/1969 – 19/8/2024).
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) từ năm 2021 đến nay, bằng sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương và sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, Tập đoàn cơ bản đã tháo gỡ khó khăn thách thức, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ kết quả kinh doanh thua lỗ, nguy cơ không giữ được quy mô Tập đoàn, đến nay Tập đoàn đã kinh doanh có lãi, các chỉ chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đạt mốc lịch sử, cao nhất từ trước tới nay trong các năm 2022 và 2023.
55 năm qua, Ngành hóa chất Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn của một chặng đường đầy chông gai, thử thách nhưng cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với các Kế hoạch và Đề án được phê duyệt, Tập đoàn sẽ tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột đối với ngành Hóa chất Việt Nam và nâng tầm uy tín, ảnh hưởng của mình đối với khu vực và hội nhập Quốc tế.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tích mà ngành Hoá chất đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển 55 năm qua.
Thủ tướng nêu rõ, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ngành Hoá chất là ngành công nghiệp nền tảng, do đó Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đứng trước yêu cầu không thể không phát triển được. Đây là sứ mệnh, trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh 55 năm, nhưng những năm tới, sứ mệnh còn cao hơn, khó khăn hơn. Đó là mệnh lệnh, tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm với nhân dân; phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu được giao phó."
Điểm lại lịch sử hào hùng của ngành Hoá chất Việt Nam trong 55 năm qua, Thủ tướng nêu rõ, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam phải có trách nhiệm trước sự phát triển của đất nước; mỗi người, mỗi chủ thể phải suy nghĩ về vấn đề này. Quá trình phát triển có thể có lúc thăng trầm, nhưng phải phát triển, vươn lên, hoàn thành sứ mệnh của mình. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tự hào về ngành Hoá chất, tự hào về những thế hệ đi trước, tự hào về các sản phẩm của ngành. Từ đó chúng ta thấy được trách nhiệm lớn lao của mình trong giai đoạn mới.
Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Vinachem cần tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau: không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải đổi mới tư duy, phương pháp, và cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Tư tưởng phải thông, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, đã cam kết phải thực hiện, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Phải thực sự đoàn kết; tất cả phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Vinachem các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương với nhau; chia sẻ các kinh nghiệm hay, bài học quý trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ trong nội bộ, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp với nhau; chủ động chú trọng đầu tư, tận dụng cơ hội trong xu thế phát triển xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng bền vững. Do đó Tập đoàn phải phân tích kỹ tình hình, nắm bắt thời cơ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới, thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát; không can thiệp các biện pháp hành chính vào công việc kinh doanh; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Phát huy tính tự lực, tự cường, vươn lên từ năng lực nội sinh, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển. Thủ tướng chỉ đạo Vinacem cần tái cấu trúc quản trị, nguồn vốn vay, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ của ngành trong đó nên rõ: Ngành Hóa chất cần quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về phát triển ngành và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Hoá chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; phát huy cao độ vai trò của doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp đổi mới.
Bên cạnh đó củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín, năng động, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục thực hiện tổ chức thực hiện tái cấu trúc hiệu quả, theo tinh thần, tái cấu trúc, cổ phần hoá các doanh nghiệp thua lỗ, doanh nghiệp đang làm ăn tốt thì nỗ lực làm ăn tốt hơn. Điểm này phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo và rút kinh nghiệm quá trình cổ phần hoá để làm hiệu quả hơn.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn sớm kiện toàn chức danh Tổng Giám đốc theo đúng quy định, minh bạch, khách quan, được sự tín nghiệm của cán bộ, công nhân viên, bảo đảm tập trung dân chủ.
Nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, nắm giữ tài sản, quản trị thông minh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy vai trò dẫn đầu trong doanh nghiệp nhà nước, xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung và dài hạn; làm mới các động lực tăng trưởng, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư nghiên cứu vào lĩnh vực mới, phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai, ngành công nghệ hiện đại như bán dẫn, pin, pin lưu trữ điện; duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển; xây dựng củng cố các ngân hàng uy tín trên thế giới, bảo đảm vốn đầu tư của tập đoàn, thu hút đầu tư FDI và các dự án của Tập đoàn. Phải biết đi lên từ bàn tay khối óc, từ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn; không đầu tư lan man ngoài ngành.
Tích cực đổi mới tái cơ cấu lại Tập đoàn nhằm phát huy, phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh; tiếp tục cơ cấu lại 3 dự án Đạm Hà Bắc, Ninh Bình, DAP 2. Đẩy mạnh phát triển các giải pháp công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển ngành hoá chất bền vững, lâu dài. Thực hiện từng nhiệm vụ, mục tiêu, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; làm tốt công tác chăm lo đời sống người lao động.
Tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ, toàn diện hơn: tái cấu trúc quản trị cả con người và bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ứng dụng chuyển đổi số; tái cấu trúc các nguồn lực, huy động mọi nguồn lực hợp pháp; tái cấu trúc vốn vay, sử dụng hiệu quả nguồn vốn; tái cấu trúc nguyên nhiên liệu đầu vào, phối hợp đặt hàng các tổng công ty bạn để giảm chi phí; đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong ngành Hoá chất, tập trung thị trường trong nước, xuất khẩu, tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu, đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngoài nhà nước, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, tạo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, Tập đoàn cũng phải góp phần tham gia việc dùng 1 luật sửa một số luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Vinachem.
Theo VOV.vn
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
- Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn Đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola
- Chất vấn các bộ trưởng về 6 lĩnh vực
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc tốt đẹp chuyến thăm tới Trung Quốc
- Chất vấn các thành viên Chính phủ
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị