Các chuyên gia quân sự cho rằng, Ukraine dường như đã thay đổi chiến thuật để đối phó với lực lượng Nga. Thay vì thực hiện một loạt cuộc tấn công tầm xa vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, Kiev đã nhắm mục tiêu vào các kho đạn dược và kho tiếp tế của đối phương nằm rất xa phía sau tiền tuyến.



Ukraine tung chiến thuật săn kho đạn

Một loạt cuộc tấn công mà Ukraine thực hiện thời gian gần đây đã cho thấy sự chuyển đổi về chiến thuật. Trong đó, vụ tập kích các kho đạn dược của Nga ở Tikhoretsk và Toropets vào khoảng giữa đến cuối tháng 9 là những ví dụ điển hình cho sự thay đổi này.

Riêng cuộc tấn công vào Toropets đã gây ra một trong những vụ nổ lớn nhất trên lục địa Á-Âu trong thời gian gần đây, với cường độ được ghi nhận là 2,7. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái Palianytsia mới mới nhất của nước này để tấn công. Về bản chất, Palianytsia là sự kết hợp giữa tên lửa hành trình và máy bay không người lái tầm xa.

Palianytsia có động cơ phản lực tuabin AI-PBS-350, do công ty PBS tại Cộng hòa Séc và công ty Ivchenko-Progress của Ukraine phối hợp phát triển. Động cơ AI-PBS-350 tạo ra lực đẩy 3.400 newton, đủ để đẩy một tên lửa nặng 1 tấn đi xa vài trăm km. Điều đó khiến UAV này gần giống với tên lửa hành trình Neptune chạy bằng động cơ phản lực cánh quạt của Ukraine, xét về kích thước, tốc độ và tầm bắn. Các cuộc tấn công vào Tikhoretsk và Toropets được thực hiện cách lãnh thổ Nga lần lượt khoảng 300km và 500km. Một số nguồn tin cho rằng, có tới 100.000 tấn đạn dược đã bị phá hủy.

Theo dõi những diễn biến mới này, các quan chức phương Tây chỉ ra sự thay đổi trong chiến thuật của Ukraine, mặc dù không rõ đây là sự thay đổi ngắn hạn hay dài hạn.

Việc phát triển UAV Palianytsia đã giúp Ukraine phần nào lấp đẩy những lỗ hổng do các hạn chế mà phương Tây áp đặt với Kiev liên quan đến việc sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow, do Mỹ và Anh cung cấp. Cả hai nước hiện đều cấm Ukraine sử dụng các tên lửa này để tấn công những mục tiêu bên trong nước Nga. Ông Michael Bohnert, một chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu RAND cho biết có nhiều mục tiêu khác nhau mà Kiev có thể nhắm tới, chẳng hạn như các kho đạn dược, được phân bổ trên khắp nước Nga. Ngoài ra, Kiev cũng có thể tấn công các tuyến đường sắt, cơ sở hạ tầng cảng, hay lối ra vào các kho đạn dược.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington dự đoán những cuộc tấn công này sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của Nga trong nhiều tháng tới. Các chuyên gia cho rằng Moscow sẽ phải phân tán kho dự trữ đạn dược của họ để tránh bị nhắm mục tiêu lần nữa.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sẽ không thay đổi cục diện chiến trường hiện tại. Nhưng đó là một phần trong những nỗ lực rộng lớn hơn của Ukraine nhằm làm suy yếu khả năng tiến hành hoạt động quân sự của Nga. Những nỗ lực này khó có thể mang lại kết quả vào năm 2024, nhưng  Kiev hy vọng sẽ cải thiện vị thế của họ vào năm 2025. Cuộc tấn công cũng cho thấy lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Nga.

Ông Michael Bohnert cho rằng, “có một nút thắt đáng kể” đối với Nga khi nói đến việc sử dụng các hệ thống phòng không.

“Nga không có đủ hệ thống phòng không để bao phủ tất cả các địa điểm quan trọng của nước này vì họ phải bố trí nhiều hệ thống trên tiền tuyến để bảo vệ các đơn vị quân đội đang chiến đấu ở đó. Vì vậy, nếu muốn bảo vệ bất cứ kho vũ khí nào tốt hơn, họ sẽ phải rút các hệ thống phòng không từ tiền tuyến hoặc từ hoặc những cơ sở hạ tầng quan trọng khác".

Một vấn đề khác mà Nga vẫn chưa giải quyết được là lãnh thổ rộng lớn của họ cần khá nhiều hệ thống phòng không để bảo vệ.

"Nga cần gấp ba lần số hệ thống phòng không so với hiện tại và con số đó có thể lên tới hàng nghìn", ông Bohnert cho biết, đồng thời lưu ý rằng việc cải thiện hệ thống phòng không có thể sẽ mất nhiều thời gian.

Nga duy trì ưu thế về đạn dược và pháo binh

Các chuyên gia cho rằng, những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài 2 năm rưỡi cho thấy, pháo binh, cùng với đạn dược giá rẻ, là một trong những năng lực quân sự quan trọng nhất đối với hoạt động chiến đấu quy mô lớn.

Xét đến phương diện này, khả năng duy trì tốc độ bắn đạn pháo hàng ngày trên tiền tuyến nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của đối phương đã trở thành điều kiện tiên quyết cho quân đội hai nước khi muốn chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công. Nhiều người cho rằng, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine không khác gì các cuộc chiến tranh lớn của thế kỷ 20, nơi pháo binh có tầm quan trọng đáng kể.

Khi nhắm vào các kho đạn dược của Nga, Ukraine có thể muốn cung cấp sự hỗ trợ cho lực lượng của nước này hiện đang ở thế yếu trên nhiều khu vực trên tiền tuyến.

Theo giới phân tích, Nga cần khoảng 6 triệu viên đạn pháo mỗi năm để duy trì tốc độ bắn hiện tại, trong đó khoảng một nửa số đạn pháo cần thiết hiện do đối tác cung cấp và phần còn lại đến từ kho dự trữ của chính Moscow. Ước tính, Nga có lợi thế hơn Ukraine về mức độ sử đạn dược hàng ngày với tỷ lệ 9:1, do vậy việc thu hẹp sự chênh lệch này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Kiev.


Theo vov.vn

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập