Khẳng định Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV là một kỳ họp "lịch sử", với 28 luật được xem xét, trong đó,15 Luật xem xét thông qua và cho ý kiến 13 luật, đồng thời cho ý kiến các vấn đề về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Với 29,5 ngày họp, bao gồm 4 ngày làm việc vào thứ Bảy, Kỳ họp thứ 8 thể hiện sự quyết tâm của các ĐBQH và trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị trình và cơ quan thẩm định.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, kỳ họp này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết, Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc rất lớn, thông qua rất nhiều luật, nghị quyết và đều là những vấn đề trọng đại cần tháo gỡ để phát triển đất nước.
Trong kỳ họp này, các ủy ban của Quốc hội cũng dự kiến có những cuộc họp riêng vào các buổi tối để tiếp thu các ý kiến, tiếp tục điều chỉnh, đưa ra được các nội dung, ý kiến về các vấn đề còn quan điểm khác nhau để thảo luận trên hội trường.
"Với sự chuẩn bị của các cơ quan trình hết sức khẩn trương, đầy đủ, đảm bảo thời gian theo quy định, cơ quan thẩm định hết sức trách nhiệm, tôi tin rằng, tại kỳ họp này, chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết sẽ được nâng lên, hoàn thành chương trình, nội dung đã đề ra", đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Cùng đưa ra nhận định này, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp dài, với những nội dung cử tri rất quan tâm và mong mỏi về những quyết sách lớn.
"Cá nhân tôi thấy rằng, nếu Quốc hội tập trung và thông qua được 15 Luật sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không thể "dục tốc bất đạt" mà cần theo tinh thần Kết luận 19 của Bộ Chính trị về công tác lập pháp", đại biểu đoàn Bình Dương nói.
Mặc dù khối lượng công việc là "khổng lồ" nhưng các đại biểu cho rằng, những dự án luật đưa ra xem xét, bàn thảo cho ý kiến đều là những luật rất cấp bách, nếu không sửa không tháo gỡ được.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, để hoàn thiện khung pháp luật, những dự án luật phải phản ánh đời sống thực tại, vướng mắc của cơ sở trong quá trình phát triển. Việc xây dựng luật theo thẩm quyền của Quốc hội, còn các vấn đề chi tiết, cụ thể hóa do Chính phủ thực hiện. Đặc biệt, cơ sở cũng phải năng động, phát triển, dám nghĩ dám làm. Bức tranh tăng trưởng bền vững, an sinh xã hội tốt đều phải xuất phát từ cơ sở.
"Hiện nay, tôi quan tâm và lo ngại về việc chồng chéo quy hoạch, nếu có vấn đề, khi phải sửa lại quy hoạch sẽ rất phức tạp. Để đất nước tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững cần chú ý tới vấn đề này. Cần có các giải pháp khắc phục những chồng lấn quy hoạch; cần hoàn thiện quy hoạch", ông Nguyễn Tạo nói.
Kỳ họp này có rất nhiều kỳ vọng và các cử tri cũng mong đợi những quyết sách quan trọng. Các đại biểu tin tưởng, bằng trí tuệ của Quốc hội và các dự án tương đối hoàn thiện, kỳ họp sẽ đạt được kết quả tốt.
Theo vov.vn
- “Kỳ họp Quốc hội sẽ thể hiện tinh thần quyết tâm của Hội nghị Trung ương 10”
- Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Lễ nhậm chức Tổng thống Indonesia
- Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Lào và tham dự Đại hội đồng AIPA-45
- Quốc hội Việt Nam mong được đón Chủ tịch Quốc hội Armenia vào tháng 11/2024
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị