Trường chất lượng cao là một nội dung đang được bổ sung vào Luật Thủ đô và ĐBQH lo ngại mô hình này gây phân tầng, làm giảm tính công bằng của giáo dục công lập.
Nên lập đại trà trường công, trường chất lượng cao để tư nhân
Thảo luận tại Quốc hội chiều 28/5, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, đoàn Quảng Bình cho rằng, luật hóa trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục phổ thông công lập vào Luật Thủ đô sẽ thúc đẩy xu hướng mở rộng mô hình này. Trong khi đó báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô lại chưa đánh giá được toàn diện các bất cập, vướng mắc.
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trường chất lượng cao được thể hiện dưới khái niệm "cơ sở giáo dục chất lượng cao". Tuy nhiên, kèm theo đó mới là tiêu chí tuyển sinh đầu vào, còn đầu ra thì bỏ trống.
Bà Nga cho rằng qua thực tiễn, mô hình trường chất lượng cao đang là mối băn khoăn của nhiều cử tri Thủ đô. Chẳng hạn, mức trần học phí đối với các trường này trong năm học 2023 -2024 là 5-6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản đóng góp khác.
“Nhiều trường công lập có chất lượng đang làm đề án xin nâng lên thành trường chất lượng cao. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi học phí cao mà gia đình không có điều kiện thì biết chuyển con sang trường học nào”, bà Nga nói.
Đấy là chưa kể, nhiều trường phổ thông công lập ở Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, có nơi trên 60 học sinh/lớp.
“Điều này cho thấy, Hà Nội còn chưa đáp ứng được đủ trường học công lập cho yêu cầu giáo dục đại trà. Nay đầu tư nhiều cho trường chất lượng cao, học phí cao nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục”, bà Nga nói.
Theo bà Nga, hệ thống trường phổ thông công lập không nên có sự phân tầng, mà trước hết phải đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng trong giáo dục. Tức là phát triển mô hình trường học hạnh phúc, không có trường chuyên, lớp chọn.
Không phủ nhận thực tế là trong xã hội có nhu cầu về giáo dục chất lượng cao, nhưng bà Nga cho rằng việc này nên để trường tư đáp ứng.
“Tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao. Cần đánh giá tác động của mô hình này để không trái quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc về trường công. Đề nghị Hà Nội tập trung đầu tư làm trường mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em được đến trường”, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.
Về việc quy định cơ sở giáo dục mầm non phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài, đại biểu cho biết, theo quy định pháp luật hiên hành, Chính phủ chưa cho phép các trường công phổ thông, mầm non thực hiện liên kết với giáo dục nước ngoài.
“Việc này chắc chắn là có lý lẽ, bởi những nguyên tắc của giáo dục công và mục tiêu giáo dục phổ thông, mầm non. Vì vậy, việc đưa nội dung này vào quy định của Luật cần quan tâm làm rõ các điều kiện cần thiết, cơ chế vận hành, quản lý giám sát, trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật”, bà Nga nói..
Theo bà Nga, đây là chính sách mới, cần có thí điểm và tổng kết đánh giá sâu sắc, vì vậy cần nhắc việc áp dụng đối với tất cả cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập Hà Nội.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Bắc Ninh đề nghị: “Thành phố Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội”.
Theo đại biểu, Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, quy tụ nguồn lực nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã giao Thủ đô Hà Nội phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
“Chính vì vậy, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ này. Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao, coi đây là trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước”, bà Vân đề nghị.
Đầu tư trường chất lượng cao, xác định đối tượng học…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn TP. Hà Nội nhất trí với các chính sách đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với quy định cho phép chính quyền thành phố Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục chất lượng cao.
“Việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết của Bộ Chính trị. Thêm vào đó, đây không phải là quy định hoàn toàn mới mà có sự tiếp nối, kế thừa khoản 3 Điều 12 của Luật Thủ đô hiện hành”, ông Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhìn nhận, thực tiễn triển khai cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội đã cho thấy kết quả tốt, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị cần có định nghĩa về “chất lượng cao” bảo đảm xác định rõ; cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị có sự rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các từ ngữ, thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật được chính xác, nhất quán như về cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 28/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sửa Luật Thủ đô, thảo luận trước Quốc hội để tạo động lực phát triển Thủ đô xứng tầm.
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật, nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước xứng tầm trong giai đoạn mới.
“Điều quan trọng là dự thảo luật phải bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Theo VOV.VN
- Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới
- Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024
- Thủ tướng: Giá điện phải phù hợp khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp
- Liên hoan phát thanh 2024: Tác phẩm có nhiều góc tiếp cận mới, chuyển đổi số
- Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị