Chiều 27/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đang thăm, làm việc tại Việt Nam và bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cùng các cộng sự.
Vui mừng gặp lại bà Manuela V. Ferro và hoan nghênh bà cùng các đồng nghiệp thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng những hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ năm 1993 đến nay, với tổng số vốn lên tới 24 tỷ USD; mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Manuela V. Ferro cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn; cho biết, Ngân hàng Thế giới đã tin tưởng và đặt Văn phòng khu vực Ngân hàng Thế giới của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hà Nội; khẳng định Ngân hàng Thế giới mong muốn và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hoạt động của Văn phòng tại khu vực hoạt động hiệu quả cao, mang lại lợi ích cho cả 3 quốc gia.
Chuyển lời hỏi thăm của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Banga tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và mong muốn thăm Việt Nam vào thời gian tích hợp, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết, phía Ngân hàng Thế giới đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam để rà soát kỹ lưỡng các dự án, đồng thời xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Thế giới giai đoạn mới.
Cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã tin tưởng và đặt Văn phòng khu vực Ngân hàng Thế giới của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh đề xuất của Ngân hàng Thế giới về việc cho Việt Nam vay khoảng hơn 11 tỷ USD cho khoảng 20 dự án trong vòng 5 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng thông quy mô lớn, năng lượng, nông nghiệp....
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới nghiên cứu các mô hình quản lý vốn linh hoạt, thay đổi tư duy, cách tiếp cận, dành vốn vay ưu đãi tập trung phát triển hạ tầng quy mô lớn, có tác dụng lan tỏa, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ; đường sắt đô thị tại Hà Nội, dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành trao đổi, làm rõ với Ngân hàng Thế giới về những khác biệt chính sách và đề xuất giải pháp để giải quyết những sự khác biệt, tạo thuận lợi cho quá trình chuẩn bị, đàm phán, triển khai các dự án.
Thủ tướng cảm ơn và mong muốn Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, mở ra cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu của Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ đề nghị hai bên phối hợp xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2025-2029, xác định định hướng hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới, nhất là khả năng huy động và nguồn lực hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với danh mục tài trợ cho Việt Nam; sớm thống nhất nội dung Khung đối tác quốc gia trình lãnh đạo hai bên thông qua.
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, bà Manuela V. Ferro đánh giá cao thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự hợp tác rất hiệu quả với Ngân hàng Thế giới; mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và đến năm 2050 bằng những hành động, dự án cụ thể. Ngân hàng Thế giới tiếp tục cùng Việt Nam thảo luận, đưa ra các giải pháp để xử lý, xúc tiến công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn như kỳ vọng của Thủ tướng vì thành công của Việt Nam cũng là thành công của Ngân hàng Thế giới.
Theo VOV.VN
- Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia 2024
- Thủ tướng: Giá điện phải phù hợp khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp
- Liên hoan phát thanh 2024: Tác phẩm có nhiều góc tiếp cận mới, chuyển đổi số
- Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh
- Hôm nay, Quốc hội giám sát tối cao về thực hiện gói phục hồi kinh tế
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị