Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Sáng 8/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đến dự sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024, với chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số". Cùng dự có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp.
Sự kiện "Ngày chuyển đổi số" ngành Ngân hàng năm 2024 là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của ngành Ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân số.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia ngành Ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó nổi bật là các dịch vụ không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước với số lượng người dùng, giá trị thanh toán ngày càng tăng. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiệu 80% vào năm 2025; Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; Tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%; Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP; Hạ tầng thanh toán được duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, không để xảy ra sự cố, ách tắc.
Đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công ngành Ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Đề án 06…
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững". Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Thủ tướng đã phân tích những kết quả đạt được đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong đó nhấn mạnh: thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc; Hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế; Công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến, riêng trong Quý I/2024 đã ghi nhận gần 2,4 nghìn cuộc tấn công mạng...
Thủ tướng chỉ rõ những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh, bài học của sự vào cuộc với quyết tâm cao của toàn ngành Ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Phải lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số mang lại trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau; Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là xây dựng khung thử nghiệm pháp lý như một giải pháp quan trọng để cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới; Tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Về quan điểm chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt, bám sát và hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng thực chất, hiệu quả, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để định hướng các hoạt động của chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng phải gắn với kinh tế số, xã hội số, công dân số và kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu thời gian tới của chuyển đổi số ngành ngân hàng, trong đó nhấn mạnh: "Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với tất cả các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu."
Cũng theo Thủ tướng, chuyển đổi số ngành Ngân hàng phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam có bước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để bắt cùng, tiến kịp với khu vực, thế giới.
Chuyển đổi số ngành Ngân hành một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng phải quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn trong triển khai chuyển đổi số ngành Ngân hàng, gắn với chuyển đổi số quốc gia một cách bền vững, hiệu quả.
Tinh thần là "5 đẩy mạnh" là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quản trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền; Đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành Ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Ngân hàng; Đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng bám sát, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tại Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chỉ thị 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển; Đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng để tăng tính cạnh tranh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế: Phát triển dữ liệu số, tập trung kết hợp với Đề án 06 tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của ngành Ngân hàng; cùng với đó đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, an toàn.
Thủ tướng lưu ý cần coi trọng công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự chủ động, quyết tâm và nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, ngành Ngân hàng công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.
Theo VOV.VN
- Phiên đối thoại về nhân quyền của Việt Nam tại LHQ được quốc tế đánh giá cao
- Hùng tráng Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Điện Biên Phủ - sự trở lại của những giọt nước mắt hạnh phúc
- Vẹn nguyên khoảnh khắc ngày giải phóng Điện Biên
- Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: "Tự hào niềm tin tất thắng"
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị