Ngày 24/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp Phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024 để thảo luận, cho ý kiến đối với 8 nội dung, trong đó có 7 dự án, đề nghị xây dựng luật và 1 nội dung báo cáo. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.



Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận và cho ý kiến đối với: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế; Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đồng thời nghe, cho ý kiến về việc điều chuyển Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng nghề số 20 - Bộ Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng về trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, nửa nhiệm kỳ 2021- 2026 đã đi qua, nhờ sự nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhiều chỉ tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng cơ bản đạt và vượt.

Tuy nhiên, vẫn còn những chỉ tiêu cần sự tăng tốc, bứt phá trong gần nửa nhiệm kỳ còn lại mới đạt được; vẫn còn những nút thắt, vướng mắc về thể chế. Một trong những giải pháp để tăng tốc, đột phá là phải tháo gỡ được vướng mắc về pháp lý, hoàn thiện thể chế; tăng cường phân cấp, phân quyền, tránh cơ chế xin - cho, giảm chi phí tuân thủ của cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng cho biết, kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội khóa khóa XV, Chính phủ trình 1 luật sửa nhiều luật và một số luật khác, nhằm tháo gỡ vướng mắc, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển.

Theo Thủ tướng, từ đầu năm 2024 đến nay Chính phủ đã tổ chức 7 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược là xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tại phiên họp này, Chính phủ xem xét 8 nội dung. Các nội dung rất phong phú, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, trong khi yêu cầu cao, thời gian có hạn. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ khẩn trương hoàn thiện các Luật để trình Quốc hội theo đúng thủ tục, thời gian và đảm bảo chất lượng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo; bố trí nguồn lực, cán bộ có trình độ, tâm huyết cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế. Đặc biệt, các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải tham dự đầy đủ, có ý kiến tại các phiên họp xây dựng pháp luật theo quy chế làm việc của Chính phủ.

Cùng với cho ý kiến về từng dự án luật cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số yêu cầu khi xây dựng, sửa đổi các dự án Luật. Đó là phải chú trọng phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, quy định rõ trách nhiệm của đối tượng được phân cấp, phân quyền, thiết kế công cụ để giám sát, kiểm tra, tăng cường kiểm soát quyền lực. Các bộ, ngành cần tập trung vào quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, tiêu chí cho người dân, doanh nghiệp; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, giảm các khâu trung gian, không hình thành cơ chế xin-cho, góp phần giải phóng nguồn lực và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu khi xây dựng luật cần có công cụ để có thể xử lý linh hoạt các vấn đề phát sinh, mới nổi trong thực tiễn.

Đặc biệt, về Dự án Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sửa luật này theo tinh thần là mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế; Thủ tướng chỉ rõ, chính sách thuế cũng là chính sách thu hút đầu tư, cho nên những gì cần phải khuyến khích thì cũng dùng chính sách thuế để khuyến khích, ví dụ như các lĩnh vực: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Thủ tướng yêu cầu, những gì cần phải quyết liệt thu thì phải thu, ví dụ như thương mại điện tử, chống thất thu thuế những dịch vụ ăn uống, xăng dầu... cùng với đó là phải thiết kế công cụ thu và dứt khoát là phải quy định thu thuế bằng máy tính tiền ngay từ khi khởi tạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc liên qua đến thu thuế, hoàn thuế và phải giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, phải phân cấp làm sao cho người dân đóng góp thuế dễ dàng và mình kiểm soát thuế cũng dễ dàng. Thủ tướng nhấn mạnh, các dòng tiền đi qua là phải số hóa hết.

Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), theo Thủ tướng Phạm Minh Chính không tạo ra môi trường cơ chế xin cho, không đầu tư dàn trải, phải linh hoạt sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước, nguồn vốn trung ương và địa phương.          

Đối với việc phân cấp, phân quyền của vốn đầu tư, Thủ tướng yêu cầu, thủ tục phải rút gọn, tránh rườm rà, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án nhưng cần phải thiết kế điều khoản quản lý chặt chẽ, bên cạnh đó cần đánh giá tác động. 

Thủ tướng đề nghị, các bộ ngành tiếp thu các ý kiến của các thành viên Chính phủ và hoàn thiện trong thời gian tới.


Theo VOV.vn

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập